Tại Trung Quốc, có một công thức phổ biến trong ngành giáo dục, đó là 5 + 2 = 0. Điều này có nghĩa là, dù đứa trẻ nhận được sự giáo dục từ nhà trường trong 5 ngày từ thứ Hai cho tới thứ Sáu, nhưng vào thứ Bảy và Chủ nhật lại không nhận được sự giáo dục từ gia đình, kết quả sau cùng sẽ là 0.
Nhà giáo dục người Ukraina Vasily Sukhomlinsky từng nói: “Trẻ em trở thành người ưu tú là nhờ nền giáo dục tốt của gia đình“.
Trang Sohu đưa tin, có một người mẹ sau buổi họp phụ huynh đã bày tỏ sự tức giận với con mình. Cô Vương nói: “Sao tôi lại sinh ra một đứa con ngốc nghếch như thế này. Kỳ thi nào cũng đứng cuối lớp. Quá xấu hổ“.
Tuy nhiên, đứa con không hề tỏ ra xấu hổ mà vặn lại mẹ: “Không phải mẹ từng nói chỉ cần con vui, việc học hay không không quan trọng sao. Mẹ không nhớ những lời này à“.
Nghe con trai nói vậy, người mẹ không biết phản bác như thế nào. Cô Vương thừa nhận trước khi con trai vào học cấp 2, cô không muốn con mình phải chịu nhiều áp lực khổ sở nên có nói “trẻ em chỉ cần vui chơi, hạnh phúc, đó mới là điều quan trọng nhất“.
Trên thực tế cô Vương thực sự đã làm điều này. Năm lớp 1, con trai cô nghịch ngợm, không thích làm bài tập về nhà, giáo viên phàn nàn thì cô trả lời rằng: “Con tôi có quyền tự do học hay không. Tôi sẽ không kỷ luật cháu“. Kết quả là con trai cô trở nên lười biếng, không bao giờ làm bài tập về nhà, giáo viên đã bỏ cuộc hoàn toàn sau nhiều lần khuyên nhủ nhưng vô ích.
Khi con trai lên cấp 2, cô Vương cảm thấy “tuổi thơ hạnh phúc” của con mình đã kết thúc. Cô bắt đầu thúc giục con mình học mỗi ngày, đích thân giám sát việc làm bài tập của con vào mỗi buổi tối, còn dạy kèm thêm tiếng Trung, Toán, tiếng Anh và các môn học khác. Cô còn cất công lập kế hoạch cho ngày cuối tuần của con một cách trọn vẹn nhất.
Tuy nhiên, cô Vương và chồng nhận thấy không khí gia đình trở nên căng thẳng kể từ khi họ bắt đầu giám sát chặt chẽ việc học tập của con trai mình. Ngoài việc đứa trẻ không muốn học tập, khiến điểm số của nó đứng cuối bảng, cậu còn cãi nhau với cha mẹ mỗi ngày, thậm chí chọn cách bỏ nhà đi khi mâu thuẫn 2 bên trở nên quá gay gắt. Không còn cách nào khác cô Vương đành nghỉ việc ở nhà dạy dỗ con.
“Có phải vì từ nhỏ tôi đã chiều chuộng con mình quá nhiều nên giờ mới khó dạy dỗ nó như vậy không“. Mỗi lần nhắc đến hành vi ngỗ nghịch của con trai mình, cô Vương đều cảm thấy khó hiểu. Cô không hề biết rằng, nguyên nhân lại do mình mà ra. Chính vì những quan niệm giáo dục sai lầm của cô đã khiến con trai hình thành thái độ bất cần, không yêu thích việc học từ khi còn học tiểu học. Điều này trở nên quá muộn khi cậu lớn lên.
3 hành động của cha mẹ gây tổn hại cho con cái và chính bản thân họ
1. Không coi trẻ em như những cá thể độc lập
Dựa trên một loạt nghiên cứu so sánh về học sinh trung học ở Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong số 4 quốc gia này cha mẹ Trung Quốc ít coi con mình là những cá nhân độc lập mà là “đứa trẻ”. “Đứa trẻ” phải vâng lời cha mẹ, không được phép có những mong muốn của riêng mình.
Ví dụ, “con cái không được phép có ý kiến“, “hãy làm theo những gì cha mẹ bảo“. Khi thấy con mình ngoan ngoãn nghe lời răm rắp, họ nghĩ rằng việc nuôi dạy con cái của mình đã thành công. Tuy nhiên, điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng mà còn mất đi sự tự lập, không biết tự suy nghĩ.
2. Thích trở thành “cha mẹ toàn năng”
“Con tôi không phải làm gì cả, tôi có thể lo hết“, “tôi sẽ không để con tôi phải lo lắng bất cứ điều gì ngoại trừ việc học“, đó là những câu nói phổ biến nhất của các bậc “cha mẹ toàn năng”. Họ sẽ chu cấp cho con mọi thứ từ đồ ăn thức uống, nhà cửa, phương tiện đi lại cho đến việc học tập, công việc và thậm chí cả bạn đời đều do họ sắp xếp.
Thông thường, những bậc cha mẹ này cảm thấy tự hào khi một tay mình có thể làm hết mọi thứ cho con cái. Tuy nhiên, họ không biết rằng mình sẽ nuôi dạy ra những “đứa trẻ khổng lồ” không có khả năng tự chăm sóc bản thân, không có ý kiến riêng và quen dựa dẫm vào người khác. Cuối cùng, rất có thể chúng không thể tự sinh tồn, dựa dẫm vào cha mẹ tới già.
3. Đặt ra quy tắc cho con cái
Theo kết quả danh sách tự kiểm tra về hành vi “không đủ tiêu chuẩn” của cha mẹ do tờ Nhân dân Nhật báo công bố, hơn 60% phụ huynh ở Trung Quốc không thiết lập các quy tắc với con cái hoặc không kiên quyết thực hiện các quy tắc đã thỏa thuận. Vì vậy, trẻ em khó kỷ luật, chúng trở thành những người độc đoán và tự cho mình là trung tâm của cả nhà.
Một số cha mẹ tin rằng, gia đình chỉ nói về tình cảm, không thiên về lí trí, do đó không đặt ra các quy tắc cho con cái.
Tuy nhiên, giáo sư Li Meijin – một chuyên gia về tâm lý trẻ vị thành niên ở Trung Quốc tiết lộ: “Những đứa trẻ từ nhỏ không bị kỷ luật sẽ là những đứa trẻ thất học và dễ lạc lối“.
Suy cho cùng, những đứa trẻ không bị ràng buộc bởi các quy tắc, luật lệ từ khi còn nhỏ sẽ không hiểu được điều gì có thể và không thể làm được, thậm chí có thể vi phạm pháp luật mà không hề hay biết.
Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có sự phát triển trí tuệ và tâm lý khác nhau. Ví dụ, khi trẻ từ 3 đến 8 tuổi, cha mẹ dễ dàng uốn nắn chúng theo các quy tắc. Thế nhưng, khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên từ 10 tuổi trở lên, sự cằn nhằn, dạy bảo của cha mẹ sẽ không được trẻ chấp nhận.
Vì vậy, cha mẹ cần điều chỉnh cách dạy con theo từng giai đoạn sao cho phù hợp với quá trình trưởng thành của con nhất.