“Con dâu, mẹ nghĩ đã đến lúc con nên sinh đứa thứ 2 rồi“.
“Tại sao ạ? Con nghĩ một đứa con như thế này là đủ rồi“.
“Con dâu, một đứa thì ít quá, 2 đứa cho nó có anh chị em với nhau“.
“Thôi mẹ đừng nói chuyện này nữa, con không muốn sinh thêm đâu. Mẹ cũng đừng nhắc chuyện này với con, kẻo lại cãi nhau“.
Đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề sinh con. Về chuyện sinh thứ 2, thứ 3, thái độ của người cha và người mẹ hoàn toàn khác nhau. Thậm chí họ đã cãi nhau rất to về vấn đề này.
Nỗi khổ mấy ai thấu sau khi sinh con của người mẹ
Ai cũng biết rằng, nuôi con không dễ dàng chút nào, nó không chỉ tiêu tốn thời gian, sức lực, tiền bạc mà còn tạo ra những cảm xúc vô hình trong gia đình.
Khi mới kết hôn, ai cũng nghĩ có một đứa con là điều tốt. Kết hôn, mang thai, sinh con là chuyện hiển nhiên từ xưa tới nay. Mọi người cứ nghĩ cuộc sống về sau sẽ ổn định nhưng ít người biết rằng, người duy nhất mắc kẹt lại chính là người mẹ.
Trong thời gian mang thai, người mẹ có thể bị ốm nghén nặng, ăn uống, ngủ nghỉ chưa bao giờ được trọn vẹn. Việc sinh nở khiến họ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau khi sinh con, họ phải chịu nhiều đau đớn. Đặc biệt, khi con còn nhỏ mà không nhờ được ai chăm sóc, họ phải nghỉ việc, chấp nhận ở nhà làm mẹ toàn thời gian để nuôi con lớn.
Trong quá trình nuôi con, người mẹ phải tự tay làm mọi thứ, tất bật với hàng đống việc từ sáng tới tối mịt. Khi đêm về, họ cũng chẳng thể có được một giấc ngủ ngon khi con quấy khóc, ốm đau.
Nhiều người mẹ cảm thấy sau khi sinh con, họ như già đi chục tuổi, kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần.
Một số người mẹ sau khi trải qua lần sinh nở đầu tiên, họ quá sợ hãi và không dám nghĩ tới cảnh phải sinh đứa thứ 2. Mặc dù bản năng người mẹ rất thích trẻ con nhưng việc chăm sóc, nuôi nấng một đứa trẻ quá vất vả.
Sự khác biệt giữa cha và mẹ sau khi sinh con
– Yếu tố sinh lý
Có sự khác biệt rõ ràng về mặt sinh lý giữa cha và mẹ, điều này ảnh hưởng một cách tự nhiên tới thái độ của họ với việc có con.
Trong quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc con cái, người mẹ phải chịu nhiều rủi ro và áp lực về mặt sinh lý hơn. Người cha rất khó để đồng cảm với điều này, thậm chí cho rằng những gì mà người mẹ làm cho con mình là điều hiển nhiên.
Cảm giác đau đớn, khó chịu khi mang thai và sinh con chỉ có mỗi người mẹ cảm nhận được. Người cha không trải qua những điều đó nên luôn cảm thấy việc sinh con rất đơn giản.
– Yếu tố tâm lý
Ngay từ khi mang thai, người mẹ đã chuẩn bị tâm lý và trách nhiệm cho sự xuất hiện của một đứa trẻ trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, không phải người cha nào cũng làm được như người mẹ, họ vẫn vô tư xem như mọi thứ không có gì thay đổi, không có trách nhiệm với con cái.
Đó là lý do tại sao người mẹ có thể hy sinh cuộc sống, công việc của mình để toàn tâm toàn ý chăm sóc con. Trong khi người cha chăm con một chút đã than thở hoặc ngủ quên khi bế con.
Người mẹ cũng dành cho con nhiều sự ấm áp và sự quan tâm hơn, điều đó giống như bản năng. Trong khi người cha hiếm khi nghĩ tới việc thể hiện tình cảm với con mình.
Sự khác biệt về tâm lý giữa cha và mẹ khiến người đàn ông phần nào thất bại trong vai trò làm cha.
– Yếu tố xã hội
Khi có con, nhiều người mẹ chấp nhận nghỉ việc để ở nhà chăm con. Mặt khác, có bao nhiêu người cha dám làm điều giống như người mẹ?
Nam nữ bình đẳng, mọi người đều đi làm, kiếm tiền nhưng việc chăm sóc con cái dường như mặc định cho người mẹ. Đáng buồn thay, bên ngoài xã hội cũng cảm thấy như vậy, phụ nữ phải chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái, còn đàn ông nên đi làm kiếm tiền.
Làm thế nào để thu hẹp sự khác biệt trong vấn đề sinh con?
Ở nhiều nước phát triển, mặc dù nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện sinh nở nhưng người mẹ lại chùn bước khi nghĩ tới việc sinh thêm con.
Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi thái độ của mẹ và thu hẹp khoảng cách với người cha? Trên thực tế, điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ và tính trách nhiệm của người cha.
Khi quyết định sinh con, 2 vợ chồng nên chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến của nhau. Việc có con không phải là chuyện của 1 người mà 2 bên cần trao đổi, bàn bạc một cách nghiêm túc.
Sau khi 2 bên thống nhất, người cha cần thay đổi thái độ ngay từ khi vợ mang thai và gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái cùng với người mẹ.
Nếu không có thời gian chăm sóc con cái vì bận rộn công việc, người cha cũng nên tỏ thái độ cảm thông, thấu hiểu sự vất vả của người mẹ. Đặc biệt, trong giai đoạn hậu sản người cha cần phải chủ động giúp đỡ, chăm sóc con với người mẹ.
Chỉ cần người cha sẵn sàng thay đổi, hầu hết các bà mẹ vẫn sẽ mong chờ sự ra đời của con mình.