Mùa xuân là giai đoạn thời tiết thích hợp, thuận lợi nên có rất nhiều loại rau xanh ngon. Đây cũng là giai đoạn mà chúng ta được thưởng thức nhiều “món ngon mùa xuân” từ các loại rau theo mùa đó. Tháng 4 đến giống như một bước ngoặt, là giai đoạn giao mùa, các loại rau xuân lúc này cũng bước vào cuối vụ. Càng về sau, trên thị trường sẽ ngày càng ít các loại rau này và giá cả cũng vì thế mà đắt lên. Do đó, trong khoảng thời gian này, ngoài việc tranh thủ thời gian để thưởng thức thêm vài lần những món rau theo mùa tươi ngon, chúng ta còn có thể lựa chọn loại rau mình thích, mua nhiều hơn và tích trữ. Để thời gian sau đó dù là trái mùa chúng ta vẫn có thể thưởng thức những loại rau này một cách an toàn và ngon lành.
Có 2 phương pháp chính để bảo quản/ tích trữ thực phẩm trái mùa đó là: đông lạnh và phơi nắng. Thường thì những loại thực phẩm được đông lạnh sẽ có hương vị gần giống như khi còn tươi. Trong khi đó phơi nắng (hoặc sấy khô) sẽ làm nguyên liệu đó mất nước. Tùy vào từng nguyên liệu cụ thể mà sẽ áp dụng phương pháp bảo quản khác nhau. Hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn 4 cách bảo quản các loại “rau xuân” thông dụng. Bạn có thể áp dụng càng sớm càng tốt trong tháng 4 này, nếu không có những loại rau bạn sẽ phải đợi đến năm sau mới được thưởng thức.
1. Củ cải
Củ cải trắng là loại thực phẩm phát triển mạnh vào mùa đông xuân. Khi bước vào cuối xuân, bạn có thể mua và tận dụng làm củ cải khô để ăn quanh năm. Củ cải khô có thể chế biến thành rất nhiều món ngon như: xào thịt, nấu canh, làm các món trộn khi thời tiết vào hè nóng bức…
Cách làm củ cải khô tiến hành như sau:
Bước 1: Bạn mua khoảng 3-5kg củ cải trắng (có thể tăng giảm lượng củ cải tùy thích), 250gr muối. Đầu tiên bạn rửa sạch củ cải sau đó bỏ đầu và đuôi rồi dùng dao cắt thành dải. Sau khi cắt củ cải xong thì cho vào chậu, thêm muối và ướp trong khoảng 3 giờ để củ cải tiết nước. Khi bạn tăng lượng củ cải thì cũng đồng thời phải tăng thêm lượng muối nhé!
Bước 2: Cho củ cải vào túi vải sau đó dùng vật nặng đè lên để loại bỏ nước. Nén và ép củ cải như vậy trong khoảng 1 ngày. Sau đó bạn rải củ cải ra, phơi nắng 3-5 ngày là củ cải khô. Trường hợp khác bạn có thể tận dụng lò sấy để sấy khô củ cải. Sau khi phơi nắng xong bạn cho vào túi nilon sạch, buộc kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Như vậy là bạn đã có nguyên liệu củ cải dùng quanh năm.
2. Đậu ngự xanh (hay còn gọi là đậu Lima/ đậu bơ/ đậu tằm)
Đậu ngự thường sẽ có quanh năm, nhưng đậu ngự xanh chỉ có thể ăn vào mùa này, bởi vị ngọt như sáp của chúng là điều khiến nhiều người nhớ nhung về mùa xuân. Sau mùa xuân, đậu xanh sẽ già dần, kết cấu trở nên cứng và mùi vị không còn ngon nữa.
Cách sơ chế để bảo quản đậu ngự xanh:
Bước 1: Bạn mua đậu ngự xanh về (có thể mua loại còn nguyên vỏ sau đó tách lấy hạt) cần gọt từng hạt một và loại bỏ hình lưỡi liềm trông như mầm cây. Cố gắng không chạm trực tiếp vào tay khi thao tác, nếu không sẽ bị ố vàng và khó làm sạch. Sau khi loại bỏ hết phần hình lưỡi liềm bạn rửa sạch đậu ngự và để càng khô càng tốt.
Bước 2: Sau khi đậu ráo nước hoàn toàn, bạn đặt chảo dầu lên bếp, đun nóng kỹ. Sau đó cho đậu ngự vào xào nhanh tay, khi đậu chuyển màu đều thì tắt bếp. Sau đó đợi đậu nguội hoàn toàn. Khi bề mặt đậu được phủ một lớp dầu ăn sẽ giúp giữ lại chất dinh dưỡng dễ dàng hơn đồng thời không dễ bị gãy, nát, dính sau khi đông lạnh.
Bước 3: Đợi đậu nguội hẳn rồi cho từng cái vào túi zip hoặc túi nilon buộc kín và cho vào ngăn đông tủ lạnh. Với cách bảo quản này, bạn không cần rã đông trước khi chế biến mà chỉ cần trực tiếp cho vào nồi xào hoặc nấu canh sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh, đậu vẫn sẽ ngon như mới hái.
3. Ngải cứu
Ngải cứu là một loại rau chế biến được rất nhiều món ăn ngon và tốt cho sức khỏe. Vào mùa xuân là thời điểm rau ngải cứu phát triển mạnh mẽ nhất và có kết cấu mềm, non nhất. Sau đó dần dần sẽ già đi, vị dần trở nên đắng hơn, không còn ngon như chính vụ. Vì vậy, bây giờ, bạn cũng có thể mua những mớ ngải cứu về, nhặt những nhánh non mềm và bảo quản để có thể ăn được trong thời gian dài.
Cách sơ chế để bảo quản rau ngải cứu:
Bước 1: Khi mua ngải cứu về bạn hãy nhặt những phần ngọn và lá non phía trên. Sau đó cho ngải cứu vào chậu, xả nước, thêm chút muối, khuấy đều rồi ngâm trong khoảng 15 phút. Sau đó bạn rửa sạch lại với nhiều lần nước.
Bước 2: Đun sôi nước trong một nồi lớn. Tiếp đó bạn cho rau ngải cứu cùng một ít baking soda vào để giữ màu xanh của rau. Đun sôi lại rồi vớt rau ra ngay lập tức. Sau khi vớt rau ra thì thả trực tiếp vào chậu nước lạnh, thay nước 2-3 lần để rau nhanh nguội.
Bước 3: Sau khi rau đã nguội hoàn toàn, bạn vớt hết ngải cứu ra. Tiếp đó lấy từng phần ngải cứu, vẩy nhẹ rồi nắm tròn nhẹ nhàng vắt hết nước. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc kín từng phần rau ngải cứu lại rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi chế biến món ăn, bạn chỉ cần lấy ra trước và để ở nhiệt độ phòng một lúc là rã đông. Với rau ngải cứu trữ đông thế này bạn có thể dùng để làm món xào hoặc trứng tráng ngải cứu, gà tần…
4. Măng xuân (măng non/ măng trúc)
Mặc dù măng bạn có thể mua vào tất cả các mùa nhưng măng mềm nhất là vào mùa xuân. Đó là hương vị không thể chối từ vào mùa xuân. Sự xuất hiện của cuối xuân cũng khiến măng xuân tàn lụi, nếu về muộn hơn, chúng sẽ già đi, mùi vị rõ ràng là xơ, bên trong càng ngày càng có nhiều axit oxalic nên chỉ có thể nhìn mà không ăn được chúng.
Cách sơ chế và bảo quản măng xuân:
Bước 1: Bạn mua măng về, bóc hết lớp vỏ chỉ để lại phần búp non tươi và mềm. Dùng dao gọt bỏ phần gốc bên dưới rồi rửa sạch sẽ. Tiếp đó, bạn cắt măng thành từng dải dài và mỏng để khi phơi sẽ dễ khô hơn. Nhưng bạn cũng lưu ý không nên cắt quá mỏng và vụn măng nhé.
Bước 2: Tiếp theo bạn cho nước vào nồi, đun sôi. Bạn có thể chia măng thành các phần nhỏ rồi thả vào nước sôi, rồi đun khoảng 5-10 phút. Lưu ý phải luộc măng kỹ một chút để lượng axit oxalic trong măng tiết ra và chúng được loại bỏ. Bạn có thể luộc măng 1-2 lần sau đó vớt ra, đặt ở nơi thoáng gió, có nắng và phơi khô.
Bước 3: Bạn hãy lật măng thường xuyên trong suốt quá trình phơi, làm như vậy măng sẽ nhanh khô hơn. Hoặc bạn có thể dùng lò sấy để làm khô măng. Sau khi phơi khô măng xong, bạn cho vào túi kín hoặc lọ đậy kín và để nơi khô ráo, thoáng mát. Trước khi chế biến món măng, bạn ngâm cho đến khi mềm và rửa sạch rồi luộc lại 1-2 lần với nước sôi. Măng khô rất thích hợp để nấu canh, làm các món xào, nấu miến…