Có nhiều kiểu nuôi dạy con khác nhau, từ kiểu nuông chiều cho tới độc đoán và bạn cũng có thể bắt gặp kiểu cha mẹ “trực thăng”.
Thuật ngữ cha mẹ “trực thăng” lần đầu xuất hiện trong một cuốn sách của tiến sĩ tâm lý học trẻ em Haim Ginott vào năm 1969.
Cha mẹ “trực thăng” là gì?
Cha mẹ “trực thăng” là kiểu nuôi con trong đó cha mẹ can thiệp quá nhiều và kiểm soát cuộc sống của con mình. Điều này tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần, kỹ năng học hỏi và nhiều thứ khác của trẻ.
Ann Dunnewold, tiến sĩ và nhà tâm lý học người Mỹ nói kiểu cha mẹ “trực thăng” đơn giản là một cách nuôi dạy con cái vượt quá giới hạn. Bà giải thích: “Điều đó có nghĩa là cha mẹ can thiệp quá mức vào cuộc sống của con cái, bảo vệ chúng tối đa, vượt quá trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái“.
Những ví dụ điển hình của kiểu cha mẹ “trực thăng” là gọi điện phàn nàn với giáo viên về điểm số của con mình, sắp xếp việc học và vui chơi của con, kiểm soát việc con chơi với ai, yêu cầu con làm cái này cái kia theo ý muốn bản thân…
Nguyên nhân hình thành kiểu cha mẹ “trực thăng”
– Lo sợ con thất bại
Cha mẹ lo sợ con bị từ chối hoặc thất bại nếu không có sự giúp đỡ của mình. Họ cố gắng ngăn chặn mọi điều bất hạnh, xui xẻo xảy đến với con mình.
– Lo lắng quá mức
Cha mẹ lo lắng về môi trường, thế giới xung quanh không an toàn, khiến họ phải kiểm soát nhiều hơn để bảo vệ con mình. Việc lo lắng khiến cha mẹ nghĩ rằng, họ kiểm soát mọi thứ là để con mình không bị tổn thương và thất vọng.
– Bù đắp quá mức
Một số cha mẹ vì khi còn nhỏ không nhận được sự yêu thương, bị bỏ rơi, bị phớt lờ nên khi lớn lên họ cố gắng bù đắp quá mức cho con cái mình.
– Áp lực từ những bậc cha mẹ khác
Khi nhìn thấy những bậc cha mẹ khác kiểm soát con cái quá mức, điều đó vô tình gây áp lực khiến họ phải làm điều tương tự. Họ có thể cảm thấy rằng, nếu mình không làm giống người ta, họ sẽ là bậc cha mẹ tồi. Cảm giác tội lỗi là yếu tố quan trọng khiến họ dần trở thành kiểu cha mẹ “trực thăng”.
Tác hại của kiểu cha mẹ “trực thăng”
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ “trực thăng” khi trưởng thành sẽ như thế nào?
1. Giảm sự tự tin và lòng tự trọng
Khi cha mẹ can thiệp quá mức vào cuộc sống của con cái, điều đó đang gửi đi một thông điệp rằng “cha mẹ không tin tưởng con cái tự làm việc này”. Theo thời gian, điều này sẽ làm suy giảm sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ.
2. Không có kỹ năng ứng phó
Nếu cha mẹ luôn ở đó để dọn dẹp mớ hỗn độn của con hoặc ngăn chặn vấn đề ngay từ đầu, làm sao trẻ có thể học cách đối phó với sự thất vọng, sự mất mát hay thất bại?
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy nếu cha mẹ kiểm soát quá mức con cái, nó có thể làm giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi của trẻ. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ “trực thăng” thường có cái tôi lớn và hay bốc đồng.
3. Tăng sự lo lắng
Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Trẻ em và Gia đình (Mỹ) cho thấy việc kiểm soát con cái quá mức có liên quan đến mức độ lo lắng và trầm cảm ở trẻ cao hơn.
4. Thiếu kỹ năng sống
Cha mẹ “trực thăng” luôn làm thay con trong mọi thứ như buộc dây giày, cho con ăn, mặc quần áo cho con… sẽ ngăn cản trẻ tự lập, dù đã lớn nhưng vẫn không biết các kỹ năng sống cơ bản.
Tóm lại, để tránh kiểu cha mẹ “trực thăng”, cha mẹ hãy cho phép con mình thất vọng, thất bại và giúp chúng vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Điều đó cũng có nghĩa là để trẻ làm những công việc mà chúng có khả năng về thể chất và tinh thần.