Tìm hiểu về những mối nguy hiểm này có thể giúp cha mẹ thực hiện các bước đơn giản để giữ an toàn cho con mình.
Không cha mẹ nào muốn nghĩ đến việc con mình bị tổn thương hoặc bị thương. Tuy nhiên, các phụ huynh không thể giữ con mình trong nhà mãi mãi. Tất cả trẻ em đều sẽ gặp rủi ro, té ngã và bị thương, thậm chí là rơi vào tình huống nguy hiểm.
Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta, các cha mẹ, đều có trách nhiệm phải chuẩn bị. Điều đó có nghĩa là cả cha mẹ và trẻ phải nắm vững hiểu biết cơ bản về sơ cứu.
Có lẽ cách tốt nhất để làm điều này là tham gia một lớp học sơ cứu, vì không gì có thể mang lại hiệu quả hơn kiến thức “thực hành”. Kỹ năng sơ cứu là kiến thức nên được dạy trực tiếp. Các chuyên gia khuyên tất cả các cha mẹ nên tham gia các lớp sơ cứu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vì tai nạn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em nên không có gì đáng ngạc nhiên khi các bác sĩ nhi khoa thường tập trung nhiều vào việc giáo dục cha mẹ về cách bảo vệ con mình. Trong đó, sử dụng ghế ngồi ô tô đúng cách và khuyến khích trẻ đội mũ bảo hiểm là những lưu ý quan trọng.
Thang cuốn
Hầu hết các cha mẹ đều cho con đi thang cuốn mà không để ý tới những nguy hiểm có thể rình rập trẻ. Thật không may, tại Mỹ, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) báo cáo rằng, có khoảng 11.000 người bị thương khi đi thang cuốn trong năm 2007, chủ yếu là do té ngã.
Ngoài ra, đã có ít nhất 77 báo cáo về trường hợp bị mắc kẹt, bao gồm tay, chân hoặc giày (chủ yếu là guốc và dép lê) trong thang cuốn, kể từ năm 2006.
Các chuyên gia cho biết, trẻ vẫn có thể đi thang cuốn. Tuy nhiên, phụ huynh hãy chắc chắn rằng trẻ sử dụng thang một cách an toàn. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ buộc dây giày trước khi sử dụng thang cuốn.
Đứng ở giữa thang cuốn, mặt hướng về phía trước, bám vào tay vịn và bước xuống ở cuối thang cuốn.
Không được ngồi hoặc chơi trên thang cuốn. Trẻ cần biết rằng, thang cuốn không được coi là một trò chơi trong công viên giải trí. Có lẽ yếu tố quan trọng nhất là tìm hiểu vị trí của nút tắt khẩn cấp. Nhờ đó, phụ huynh có thể tắt thang cuốn nếu có ai đó bị mắc kẹt khi đang sử dụng.
Xe đẩy hàng
Xe đẩy hàng không nhất thiết phải được coi là một mối nguy hiểm tiềm ẩn nữa. Bởi, thương tích do xe đẩy hàng gây ra đã được công bố rộng rãi trong những năm gần đây. Thậm chí, còn có những cảnh báo về thương tích được in trên hầu hết các xe đẩy hàng ngày nay.
Tuy nhiên, nếu đến một cửa hàng tạp hóa hoặc siêu thị lớn, chúng ta sẽ luôn nhìn thấy những đứa trẻ ngồi trên xe đẩy hàng. Điều đó khiến trẻ có nguy cơ bị ngã và chấn thương đầu. Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ, hơn 107.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã phải điều trị các thương tích liên quan đến xe đẩy hàng từ năm 2008 – 2012.
Tivi và nội thất
Trẻ nhỏ thích leo trèo. Thật không may, khi trèo lên một món đồ nội thất lớn, chẳng hạn như tủ sách, kệ tivi hoặc tủ quần áo, trẻ có thể bị ngã. Ngoài nguy cơ bị đồ đạc nặng đè trúng, trẻ còn có thể bị thương khi các đồ vật lớn rơi, đặc biệt là tivi.
Theo CPSC, đã có ít nhất 342 trường hợp tử vong do tivi rơi và 165 trường hợp tử vong do bị đồ đạc đè lên trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2017. Ngoài ra, có nhiều trường hợp khác được điều trị tại phòng cấp cứu do nguyên nhân này.
Để tránh nguy hiểm này, phụ huynh hãy đảm bảo cố định các thiết bị lớn và đồ nội thất vào tường. Ngoài ra, hãy đặt tivi của gia đình trên một giá đỡ chắc chắn và cố định nó vào đúng vị trí để hạn chế nguy cơ rơi.
Nhà hơi
CPSC báo cáo rằng, từ năm 2003 – 2013, có 113.272 trường hợp bị thương cần được điều trị do liên quan đến cầu trượt và nhà hơi. Ngoài ra, cũng có 12 trường hợp tử vong do nhà hơi trong thời gian đó.
Nhà hơi có thể rất thú vị, nhưng trẻ em cần được giám sát chặt chẽ khi tham gia trò chơi này. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trẻ chỉ nên chơi nhà hơi cùng với các bé cùng độ tuổi và cân nặng. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng, nhà hơi được cố định chắc chắn trên mặt đất. Phụ huynh cũng cần chắc chắn mình có thể nhanh chóng đưa bọn trẻ ra ngoài nếu nhà hơi bắt đầu xẹp xuống.
Không nên chủ quan
Nhiều phụ huynh đã đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để bảo đảm an toàn cho trẻ trước những mối nguy hiểm tiềm ẩn này? Nhiều phụ huynh biết cách khiến trẻ an toàn, nhưng lại chủ quan vì cho rằng con mình đã quá lớn để có thể bị thương.
Ví dụ, cha mẹ sẽ không nghĩ đến việc để đứa trẻ ba hoặc bốn tuổi của mình ngồi trên ô tô mà không có ghế ngồi riêng. Song, họ có thể để đứa trẻ năm tuổi của mình ngồi trên ghế xe ô tô. Hoặc, để đứa trẻ 8 tuổi ngồi ở ghế trước của ô tô, hay đi xe đạp mà không đội mũ bảo hiểm.
Để giữ an toàn cho trẻ em, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần giữ cho ngôi nhà của mình được an toàn tuyệt đối cho đến khi con mình đủ lớn để hiểu được những mối nguy hiểm tiềm tàng. Điều đó có nghĩa là cha mẹ phải khóa các ngăn kéo và tủ, bịt kín nắp ổ cắm điện… Tránh dùng bàn có mặt kính, đặc biệt nếu chúng không được làm bằng kính cường lực. Bởi, bàn kính sẽ gây nguy hiểm nếu trẻ trèo lên hoặc ngã và làm vỡ kính.
Hãy nhớ đảm bảo an toàn tại khách sạn khi đi du lịch, bao gồm cả việc sử dụng cũi và các sản phẩm khác dành cho trẻ em đúng cách. Phụ huynh cũng cần di chuyển trẻ đến ghế ngồi riêng khi sử dụng ô tô. Để trẻ ở ghế sau ô tô cho đến khi bé 13 tuổi. Cha mẹ cũng cần chú trọng tới sự an toàn của trẻ nếu nhà có hồ bơi.
Hãy giám sát trẻ em khi ở gần nước, ngay cả khi chúng biết bơi. Khuyến khích trẻ đội mũ bảo hiểm bất cứ khi nào đi xe đạp, xe scooter, ván trượt. Hãy nhớ không để con ở nhà một mình cho đến khi bé thực sự sẵn sàng.
Nhiều phụ huynh không muốn con mình được bao bọc quá mức. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, phụ huynh càng lơ là thì trẻ càng có nhiều khả năng bị thương hoặc tử vong trong một vụ tai nạn.
Ngoài các bước an toàn rõ ràng như sử dụng ghế ngồi ô tô đúng cách, lắp đặt thiết bị phát hiện khói và bảo vệ trẻ em trong nhà, hãy cẩn thận với những mối nguy hiểm tiềm ẩn khác có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của con.
Lưu ý khi hồi sức tim phổi
Trong trường hợp chưa được đào tạo hoặc không cảm thấy sẵn sàng để thực hiện hồi sức tim phổi, phụ huynh có thể tham khảo hướng dẫn từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA). Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hướng dẫn này chỉ được áp dụng cho người lớn. Hồi sức tim phổi cho trẻ em vẫn bao gồm thành phần hô hấp cấp cứu. Bởi, thiếu lưu lượng oxy có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
Nếu nhận ra rằng một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm và có thể cần phải thực hiện hô hấp nhân tạo, hồi sức tim phổi, người lớn có thể muốn lao vào ngay. Mặc dù không muốn đợi quá lâu, nhưng cần cân nhắc trước khi thực hiện. Bởi, bước đầu tiên để thực hiện hồi sức tim phổi cho trẻ chỉ đơn giản là biết khi nào nên hành động. Trẻ suy sụp và không phản ứng là trẻ cần được hô hấp nhân tạo. Tiến sĩ David Markenson – Giám đốc y tế của Dịch vụ Đào tạo Chữ Thập Đỏ Mỹ cho biết: “Hành động sai lầm duy nhất là không làm gì cả. Tôi rất muốn nói lên điều đó từ một nơi ồn ào nhất có thể”.
Các chuyên gia cho biết, môi trường xung quanh trước khi thực hiện hồi sức tim phổi phải an toàn cho cả người lớn và trẻ. Hãy đảm bảo rằng cha mẹ không gặp nguy hiểm để có thể tập trung toàn bộ sức lực vào việc chăm sóc trẻ. Đồng thời, hãy nhờ sự trợ giúp nếu cần.
Sau đó, hãy kiểm tra khả năng phản hồi của trẻ. Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ gợi ý, người lớn nên la hét trước để thu hút sự chú ý của trẻ. Hãy gọi tên trẻ. Nếu không nhận được phản hồi trong lần đầu tiên, hãy tiếp tục cố gắng và chạm vào vai trẻ.
Tuy nhiên, không nên dành quá nhiều thời gian cho việc này. Hội Chữ Thập Đỏ khuyến cáo không nên kiểm tra quá 10 giây. Chắc hẳn là không phụ huynh nào muốn mình rơi vào tình huống cần thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ. Song, chuẩn bị tâm lý và có hiểu biết là những cách tuyệt vời để đảm bảo các phụ huynh sẽ sẵn sàng nhất có thể nếu tình huống như vậy xảy ra.
Theo Very well family