Tiến sĩ Wendy Mogel, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The Blessing of a Skinned Knee” cho biết: “Cách hiệu quả nhất để nói chuyện với một đứa trẻ là sử dụng những từ và câu đơn giản“.
Dưới đây là những câu nói mà cha mẹ nên sử dụng với con mình để đạt được hiệu quả trong giao tiếp, đồng thời nuôi dạy một đứa con hạnh phúc.
1. “Mẹ cần suy nghĩ về điều đó”
Tiến sĩ Mogel nói: “Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, bản thân họ phải tự suy nghĩ, tự đưa ra câu trả lời ngay lập tức và đạt được sự đồng thuận với một đứa trẻ 4 tuổi“. Tuy nhiên, việc thốt ra những điều đầu tiên xuất hiện trong đầu có thể dẫn tới sự hối tiếc và thất vọng cho cả 2 mẹ con.
Tiến sĩ Mogel cho biết, câu nói “mẹ cần suy nghĩ về điều đó” mang lại cho người mẹ quyền lực, giúp họ có thời gian để suy nghĩ và cân nhắc mọi thứ trước khi đưa ra phản hồi.
Điều này cũng có thể hình thành thói quen. Nếu trẻ thường xuyên nghe câu nói này, chúng sẽ cảm thấy thoải mái khi đưa ra các quyết định của mình. Khi lên cấp 2, trẻ sẽ quen với việc suy nghĩ kỹ trước khi nói. Trẻ có thể nói “mình sẽ suy nghĩ về điều đó” khi giao tiếp với bạn bè. Cách làm này sẽ tránh việc phát ngôn thiếu khôn ngoan.
2. “Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?”
Việc khen ngợi hay chê bai quá nhiều đôi khi không tốt cho con cái. Tiến sĩ Mogel khuyên cha mẹ nên nói: “Điều đó khiến con cảm thấy như thế nào?“.
Điều thú vị là câu nói này sẽ giúp cha mẹ không tỏ ra quá phấn khích trước những gì con cái làm được. Nó cũng có tác dụng trong những tình huống không mấy tốt đẹp.
Khi con trai tiến sĩ Mogel – Conrad quên ba lô 2 ngày liên tiếp, bà cố gắng che giấu sự bực bội trong người, thay vào đó hỏi con trai về cảm xúc của mình. “Lộn xộn và điên rồ” là câu trả lời của Conrad.
Câu hỏi của bà khiến con trai dừng lại, ngẫm nghĩ xem mình đã thất vọng như thế nào. Đây là điều mà có lẽ Conrad sẽ không nói ra nếu không được mẹ hỏi. Sáng hôm sau khi bước ra khỏi cửa, Conrad đã quay sang nói với mẹ mình: “Hôm nay con sẽ không quên ba lô nữa đâu“.
3. “Ồ”, “chà”
Cha mẹ hãy sử dụng từ “ồ”, “chà” khi con cái trình bày một vấn đề hoặc nếu chúng làm điều gì đó mà bản thân biết nó đã gây rắc rối, ví dụ như làm đổ hộp sữa sau khi bị mẹ cảnh báo trước đó.
Câu nói này sẽ cho trẻ biết rằng, cha mẹ đang thừa nhận điều vừa xảy ra nhưng không có phản hồi ngay lập tức. Điều này sẽ cho phép cha mẹ có chút thời gian để xem xét tình huống và tìm ra cách xử lý.
4. “Hãy lắng nghe cơ thể của con”
Nhiều bậc cha mẹ quan tâm từng li từng tí tới từng miếng ăn giấc ngủ của con mình. Họ biết con mình ngủ được bao nhiêu tiếng, lần cuối cùng chúng ăn và đại tiện là khi nào, ngay cả khi đứa trẻ đã 8 tuổi chứ không phải 8 tháng tuổi.
“Tuy nhiên, nếu cha mẹ thường xuyên quản lý nhu cầu thể chất của con mình, trẻ sẽ nhận ra rằng chúng không cần phải làm vậy và sẽ không học cách tự điều chỉnh“, tiến sĩ Mogel nói.
Khi trẻ nói “con bị đau bụng“, đừng vội kết luận theo kiểu “chắc là con ăn bậy bạ thứ gì rồi phải không“. Thay vào đó, hãy giúp con xem xét các nguyên nhân có thể xảy ra, sau đó nhắc nhở chúng cần chú ý tới cơ thể mình như cảm giác khó chịu trong bụng khác với cơn đói. Khi trẻ có thể xác định được điều gì đang xảy ra với cơ thể mình, chúng sẽ có thể phản ứng theo cách thích hợp.
5. “Hít thở”
Nếu cha mẹ có thể dừng lại để hít thở thật sâu, họ sẽ dạy con mình cách sống chậm lại, quản lý các tình huống căng thẳng.
Cách tốt nhất để đảm bảo lời nói của bản thân có tác dụng xoa dịu là cha mẹ cúi xuống ngang tầm mắt với trẻ, nắm tay con và hít thở sâu vài hơi. Sau khi làm xong, cha mẹ sẽ cảm thấy đầu óc tỉnh táo, bình tĩnh để xử lý những rắc rối đang xảy ra. Đây cũng là bài học thực tế mà trẻ có thể bắt chước từ cha mẹ mình.
6. “Con có muốn suy nghĩ lại không?”
Khi trẻ không muốn ăn bông cải xanh, từ chối chia sẻ đồ chơi hoặc than vãn muốn đi công viên, đây sẽ là một cách nhắc nhở nhẹ nhàng của cha mẹ. Cái hay của câu “con có muốn suy nghĩ lại không” là cha mẹ đang cho trẻ biết hành vi của chúng không được chấp nhận nhưng không làm trẻ xấu hổ hay bị mắng.
Câu nói này hiệu quả cho dù cha mẹ và con cái đang ở nhà hay đang ở trong một nhà hàng đông người.
7. “Đó là một ý tưởng tuyệt vời”
Khi trở thành một người cổ vũ cho các ý tưởng lớn nhỏ của con cái, nó sẽ giúp cho trẻ nhận ra rằng chúng có thể tự giải quyết các vấn đề của mình.
Cho dù đó là một đứa trẻ 2 tuổi đang tìm hiểu xem mình muốn mặc gì, một đứa trẻ 6 tuổi đang quyết định sẽ dành một buổi chiều như thế nào hay một đứa trẻ 8 tuổi đang tranh luận xem chúng sẽ viết câu chuyện gì, cha mẹ cũng sẽ ủng hộ các quyết định của con.