Michael Mosley là nhà khoa học và tác giả, được biết đến rộng rãi qua nhiều công trình đề cập đến chế độ ăn uống và phương pháp nhịn ăn. Gần đây, ông chào đón tuổi 67 – cột mốc khiến ông suy tư sâu sắc về hành trình cuộc đời. Tiến sĩ Mosley coi trọng việc duy trì sức khỏe và tinh thần lạc quan trong quá trình lão hóa.
“Thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là ở tuổi này, điều này có thể khá đáng sợ”, ông nói. Đây là một trong những lý do chính khiến ông thích tạo ra và thử nghiệm những ý tưởng đơn giản có thể dễ dàng thực hiện trong cuộc sống. Điều này mang lại những lợi ích bất ngờ, như những gì ông chia sẻ trong podcast của mình – “Just One Thing”.
Dưới đây là 7 thay đổi yêu thích của ông:
Đi bộ với gậy
Phần Lan không chỉ nổi tiếng với những người hạnh phúc nhất thế giới, đứng đầu bảng xếp hạng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới liên tiếp 7 năm, mà còn được biết đến với dân số có sức khỏe tốt. Một phần nguyên nhân là người Phần Lan tiên phong trong phương pháp đi bộ Nordic. Đây là cách đi bộ sử dụng gậy để đẩy bản thân tiến về phía trước, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Trong một nghiên cứu năm 2019 đăng trên tạp chí Clinical Interventions in Aging, nhóm người ở độ tuổi 60 được yêu cầu thực hiện ba giờ đi bộ Nordic hoặc đi bộ thông thường mỗi tuần. Sau 6 tháng, nhóm đi bộ Nordic không chỉ mạnh mẽ hơn đáng kể, mà còn giảm trung bình 6 cm vòng bụng, gấp đôi so với nhóm đi bộ thông thường. Điều này có thể là do đi bộ Nordic đòi hỏi sử dụng nhiều nhóm cơ hơn.
Sau chuyến đi bộ Nordic quanh khu vực Lake District, tiến sĩ Mosley đã chứng minh được rằng đây là một phương pháp tập luyện hiệu quả. Đối với những ai muốn tham gia, có nhiều nhóm đi bộ Nordic sẵn sàng chào đón thành viên mới trên các nền tảng trực tuyến.
Thêm hạt lanh vào chế độ ăn
Dù ban đầu không ưa thích hạt lanh, Mosley đã phát hiện chúng là nguồn dinh dưỡng mạnh mẽ, chứa đầy chất xơ, protein và acid alpha-linolenic, một loại acid béo có lợi cho sức khỏe tim mạch. Theo nghiên cứu của Grant Pierce, giáo sư sinh lý học tại Đại học Manitoba ở Canada, việc tiêu thụ hạt lanh có thể là cách hiệu quả giảm huyết áp cao.
Trong một nghiên cứu năm 2013, ông Pierce theo dõi 110 người có huyết áp cao, họ được chia làm hai nhóm. Một nhóm ăn thực phẩm đã được bổ sung ba muỗng canh hạt lanh xay (trong muffins, bánh quy, ngũ cốc) và một nhóm ăn thực phẩm tương tự nhưng không có hạt lanh. Sau 6 tháng, nhóm tiêu thụ hạt lanh đã ghi nhận sự giảm đáng kể huyết áp, đủ lớn để giảm một nửa nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Giáo sư Pierce khuyên không cần thiết ăn ba muỗng canh hạt lanh mỗi ngày để nhận thấy lợi ích, nhưng ông đề xuất sử dụng chúng trong việc nướng bánh hoặc thêm vào sữa chua hoặc sinh tố – điều mà tiến sĩ Mosley giờ đây cũng bắt đầu làm.
Giúp đỡ mọi người
Tiến sĩ Mosley nhận thấy việc giúp đỡ người khác mang lại lợi ích cho người nhận lẫn người giúp. Việc này cũng thúc đẩy việc tiết ra các hormone liên quan đến chăm sóc như oxytocin, giúp giảm căng thẳng và viêm nhiễm mạn tính.
Ngoài ra, việc giúp đỡ người khác còn mang lại cảm giác hạnh phúc, như được chứng minh trong một nghiên cứu đăng trên PLOS One năm 2017. Dựa trên dữ liệu từ 40.000 người, nghiên cứu này phát hiện ra rằng những người thường xuyên tình nguyện thường khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Theo các nhà nghiên cứu, điều này tương đương với việc trẻ hóa 5 tuổi.
Tiến sĩ Mosley cũng đã trải nghiệm cảm giác tốt lành mà việc tình nguyện mang lại. 2 năm trước, ông đã mời một gia đình người Ukraine (1 người mẹ và 3 đứa con) sống cùng gia đình mình và họ đã mang lại niềm vui lớn.
Học chơi nhạc cụ
Dù không có năng khiếu âm nhạc, tiến sĩ Mosley tin rằng không bao giờ là quá muộn để học và có nhiều bằng chứng cho thấy việc học chơi nhạc cụ có lợi cho bộ não. Nghiên cứu năm 2019 công bố trên tạp chí Frontiers, các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida đã yêu cầu nhóm người lớn tuổi chơi piano, trống hoặc chỉ nghe nhạc. Nhóm chơi nhạc cụ được học và yêu cầu luyện tập khoảng 30 phút mỗi ngày trong 4 tháng.
Sau quá trình tham gia, những người tham gia đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể trong khả năng ghi nhớ làm việc – một kỹ năng quan trọng thường suy giảm theo tuổi tác. Tiến sĩ Mosley nhận thức được giá trị của việc học hỏi không ngừng và đã chọn bắt đầu với việc chơi đàn keyboard. Bằng cách này, ông có thể luyện tập mà không gây ảnh hưởng đến người xung quanh nhờ việc sử dụng tai nghe.
Đọc thơ to
Từ những năm thiếu niên, tiến sĩ Mosley đã thử nghiệm việc học thuộc và đọc thơ to – một nỗ lực để trở nên quyến rũ hơn dù không mang lại nhiều thành công. Theo lời khuyên của Dietrich von Bonin, một nhà trị liệu nghệ thuật nổi tiếng tại Thụy Sĩ, ông Mosley tiếp tục đọc thơ to bởi đây không chỉ là phương pháp để tự hoàn thiện mà còn là cách thức tuyệt vời để giảm stress, mang lại sự bình yên cho tâm hồn.
Bên cạnh sức mạnh của lời thơ thì nhịp thơ cũng tự động làm chậm nhịp thở, kích hoạt hệ thống thần kinh phó giao cảm, làm chậm nhịp tim, giảm căng thẳng và tạo cảm giác bình tĩnh. Ông đã thử, thấy thích thú và khuyên mọi người nên thử nghiệm.
Lợi ích từ gia đình đông con
Trong thời hiện đại, việc nuôi dạy 4 người con có thể được coi là một nhiệm vụ vất vả. Theo những phát hiện gần đây từ Đại học Yale, sự bận rộn và thách thức trong việc chăm sóc nhiều con cái có thể mang lại lợi ích không ngờ cho sức khỏe não bộ. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hơn 37.000 bức ảnh chụp não thu thập từ UK Biobank, nhận thấy người có nhiều con thường có hoạt động não bộ trẻ trung hơn so với những người có ít hoặc không có con. Họ mô tả hiện tượng này như một hình thức “bảo vệ não bộ lâu dài”, có thể do sự tương tác xã hội và hoạt động thể chất liên tục mà việc nuôi dạy con cái đem lại.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, quá trình nuôi dạy con cái không ngừng nghỉ có thể làm tăng cường sức mạnh cho bộ não. Cùng với đó, việc cha mẹ của những gia đình đông con thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội và vận động thể chất có thể góp phần bảo vệ cũng như duy trì sức khỏe não bộ.
Tập thể dục biến cơ thể thành máy đốt mỡ
Tiến sĩ Mosley từng rất thích xem một series truyền hình có tên “Wife Swap”, nơi một người vợ (hoặc người chồng) sẽ đổi chỗ với một gia đình khác biệt trong 2 tuần. Ý tưởng này vẫn còn giá trị gây tò mò và ông đã bị ấn tượng bởi một nghiên cứu từ Đại học Aberdeen, nơi các vận động viên nam đã đổi lịch trình tập luyện của họ với những người ít vận động.
Trong một thử nghiệm đầy thách thức, các vận động viên chuyên nghiệp, thường xuyên tập luyện gần 10 giờ mỗi tuần, đã tạm ngừng hoạt động thể chất trong vòng 4 tuần. Trái lại, những người thường ít vận động đã được khuyến khích thực hiện ít nhất 5 giờ tập luyện đều đặn hàng tuần, như đạp xe. Kết quả của cuộc nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí Nature Communications, đã mở ra những hiểu biết mới. Sau 2 tháng, nhóm vận động viên đã tăng 1,1 kg và giảm sức mạnh cũng như thể lực, trong khi nhóm ít vận động lại giảm 2,6 kg, cải thiện sức khỏe, sức mạnh, huyết áp, cholesterol và đường huyết.
Phát hiện gây ngạc nhiên nhất cho các nhà nghiên cứu là sự thay đổi trong cách cơ thể xử lý chất béo bão hòa, thường được tìm thấy trong thịt và sữa. Trong quá khứ, cơ thể của vận động viên sử dụng loại chất béo này như một nguồn năng lượng, trong khi những người ít vận động thì tích trữ nó dưới dạng mỡ. Tuy nhiên, sau cuộc thử nghiệm, cả hai nhóm đều biến đổi, trở thành những “máy đốt cháy mỡ” hiệu quả. Đây chính là động lực thêm để khuyến khích mọi người lên xe đạp và bắt đầu vận động.
Thanh Thúy (Theo Dailymail, NY Breaking)