Nhiều mẹ tâm sự giai đoạn bắt đầu cho con ăn dặm quả thực khó khăn, nhất là với những mẹ lựa chọn phương pháp ăn tự chỉ huy cho con. Cách này giúp bé có thể được lựa chọn thực phẩm mong muốn, ăn đa dạng thức ăn, dễ dàng làm quen với việc bốc, nhón… nhưng lại cũng đòi hỏi ở các mẹ bỉm sự kiên trì qua từng ngày.
Ai cho con ăn dặm theo phương pháp này đều biết mỗi lần dọn dẹp là khổ sở thế nào, tất nhiên là chỉ một vài tháng đầu thôi trước khi con vào nề nếp ăn uống nhưng cũng đã có không ít mẹ bỏ cuộc. Nhất là việc dọn dẹp, lau chùi, tắm rửa cho con sau ăn… và lặp lại như thế vài lần một ngày thì không stress mới lạ.
Ai cũng động viên “ăn dặm không phải là cuộc chiến” nhưng xem clip này lại “hẫng một nhịp”
Ai cũng động viên “ăn dặm không phải là cuộc chiến” nhưng xem clip này lại “hẫng một nhịp”, hóa ra cho con ăn dặm gian nan lắm chứ. Các mẹ mà không kiên nhẫn, không nhất quán và “lười” thì chắc chắn sẽ không rèn được một em bé ăn ngoan, biết bốc ăn thun thút.
Nhìn cảnh em bé áo ướt sũng, thức ăn đầy bàn, đầy mặt, không biết vào miệng được bao nhiêu còn lại thì rơi ra ngoài hết mà các mẹ cũng cảm thấy “oải” giùm. Chắc chắn sẽ phải mất thêm cả tiếng đồng hồ bao gồm cho con ăn thêm, đưa đi tắm, dọn dẹp vệ sinh… rồi mẹ mới có thể nghỉ ngơi được. Nhưng nghĩ ngày cứ vài lần như thế này thì cũng stress lắm.
Ấy thế nhưng cậu bé trong clip lại được khen là có nết ăn uống cực kỳ nhanh nhẹn, tuy không ăn được mấy nhưng các kĩ năng cầm bát, nhiệt tình ăn uống… cũng rất đáng ngợi khen. Chắc chắn là chỉ trong thời gian không lâu nữa, em bé sẽ ăn thành thạo hơn và không bị rơi ra ngoài như vậy nữa.
Cảnh tượng cũng khá là “ôi giồi ôi”!
Tuyệt kỹ giúp hành trình ăn dặm trở nên dễ không tưởng, con lúc nào cũng ăn sạch bát
1. Để ý tới tâm trạng của con khi bắt đầu bữa ăn
Trẻ con mới tập ăn dặm chỉ tầm 5-6 tháng, tính cách còn rất khó đoán, tâm lý thay đổi thất thường, nhiều khi khóc lóc cáu kỉnh vô cớ, con chưa tự trấn an được khi mới chỉ hơi đói hoặc khi hơi buồn ngủ… Với các bé trên 1 tuổi, đói một chút vẫn chờ đợi thêm được, buồn ngủ nhưng vẫn có thể cố tỉnh táo để chơi.
Vì vậy nên chọn khoảng thời gian cho ăn là khi con đã uống no sữa, đánh một giấc thật ngon, ngủ dậy chưa hẳn đói nhưng bụng đã tiêu hóa gần hết sữa. Trẻ con ngủ đủ, thức dậy sẽ rất vui vẻ và tỉnh táo, lúc này cho ăn sẽ hiệu quả hơn.
2. Tôn trọng nhu cầu ăn uống của con
Tuyệt đối tôn trọng nhu cầu của con, không bao giờ “xin” con ăn thêm miếng nữa hay dùng vũ lực để ép. Nếu con bỏ ăn do ốm đau hay lý do hợp lý nào khác, không nên ép ăn bữa chính ấy nữa, mà cho uống bù sữa hoặc ăn thứ con thích cho đến khi con khỏe lại.
3. Không vừa ăn vừa xem tivi
Không thoả hiệp ở đây là không đáp ứng yêu sách khi con ở trạng thái khoẻ mạnh bình thường. Ví dụ con bỗng dưng chán ăn một chút, mẹ bật tivi để con vừa ăn vừa xem, con sẽ ăn tốt ở bữa đó và khá tốt ở những ngày kế tiếp khi vẫn được xem tivi. Nhưng một thời gian sau con sẽ chán, biếng ăn lặp lại và càng kinh khủng hơn.
Lúc đó con đòi điện thoại, lại đưa điện thoại và lại ăn hết suất, một thời gian sẽ lại chán và đòi đáp ứng những yêu cầu oái oăm hơn. Như là vừa chơi ở công viên vừa ăn, hay vừa ăn vừa nghịch nước hay trèo lên đầu lên cổ bố mẹ ngồi mới ăn… Mẹ đáp ứng một lần, sẽ có lần kế tiếp. Mẹ tự phá vỡ nguyên tắc là tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn của biếng ăn.
4. Hãy chuẩn bị tâm lý trước ăn dặm cho cả mẹ và bé
Điều này nhiều mẹ không để ý nên con đến tuổi ăn dặm rồi vẫn chưa xác định được sẽ ăn nằm hay ăn ngồi, ăn cháo hay ăn bột… Những điều thuộc về căn bản như thế, mẹ hãy đọc, tìm hiểu trước khi con vừa được 3-4 tháng, càng sớm càng tốt. Đó là việc chuẩn bị tâm lý cho mẹ.
Còn với con, con cũng cần được chuẩn bị trước. Bởi bỗng nhiên con đang bú lại bị nhét thìa cho ăn thì con sẽ không hiểu chuyện gì. Vì vậy, mẹ hãy cho con ngồi cùng mâm cơm gia đình trước tuổi ăn dặm để con quan sát cách ăn, ứa nước bọt khi nhìn thấy hay ngửi thấy thức ăn, để con thấy không khí đầm ấm của cả gia đình. Hãy mạnh dạn cho con nếm thử một chút đồ ăn an toàn. Đưa đồ ăn trước mặt để con quan sát, ngửi, hay chạm môi – lưỡi một chút, kích thích bản năng của con, kích thích sự thèm thuồng và tò mò muốn khám phá.