Không tranh đấu, không để tâm, không giải thích
Không tranh đấu là một hình thức của sự khoan dung, nhưng cũng không có nghĩa là mọi người đều có thể vô tư cướp đoạt.
Không để tâm là một loại trí tuệ, nhưng cũng không có nghĩa là mọi người đều có thể tự do phê phán.
Không giải thích là một dạng của sự trưởng thành, song cũng không có nghĩa là mọi người đều có thể tùy tiện chỉ trỏ.
Khi con người đến một độ tuổi nhất định, cuối cùng cũng sẽ thấu hiểu đâu mới là cách sống thông minh, từ từ học được cách im lặng. Từ quá trình trưởng thành đến chín chắn, việc học cách im lặng mới thực sự là trí tuệ của một người.
Rất nhiều lúc chúng ta chọn không tranh giành, không phải vì bất lực, mà là không muốn xung đột, giày vò bản thân. Chúng ta chọn không để tâm, không phải vì tự ti, mà là đã học được cách nhường nhịn, không muốn lãng phí thời gian vào những việc vô ích. Chúng ta chọn không giải thích, không phải vì nhu nhược, mà để thời gian và sức mạnh chứng minh.
Trong cách cư xử và làm việc, hay đối nhân xử thế nói chung, chỉ khi trong mắt có nhân tình thế thái thì mới thấy đường đi, trong lòng có yêu thương mới có thể bao dung và chừng mực. Khi đã chọn lựa sự tử tế, không phải để mong chờ hồi đáp, mà là để cuộc sống của mình thêm vững vàng và bình yên.
Ở đời, sống đúng với lương tâm mới là điều quan trọng nhất. Cuộc sống của mỗi người, hoàn toàn có thể do chính họ định đoạt.
Bản chất của sự trưởng thành
Tâm thái quyết định trạng thái, và càng quyết định chất lượng cuộc sống. Hãy học cách sống một cuộc đời giản dị, đừng nóng vội, đừng gấp gáp, đừng so đo và cũng đừng nên cưỡng cầu.
Sống một cuộc đời bình lặng của riêng mình, không cần phải huyên náo, chỉ cần an tâm và yên lòng. Những người hiểu bạn, cần gì phải giải thích? Còn những người không hiểu bạn, chúng ta lại càng không cần phải giải thích.
Khi gian khổ trở thành thói quen hằng ngày, không cần nói ra, cứ mỉm cười là đủ. Vì dù gì càng đi càng rời xa chúng ta không chỉ có người và chuyện bên cạnh, mà còn có quá khứ.
Đến tuổi trung niên, điều trưởng thành không phải là tuổi tác, mà là sự hiểu biết về sự lựa chọn, học được cách từ chối một cách nhẹ nhàng, có những khổ đau không nói ra, vì biết rằng có nói hay không cũng như nhau.
Ở một mình, đôi khi không phải vì thích thế, mà là lựa chọn bất đắc dĩ sau khi bị ép buộc, không muốn tham gia vào màn kịch của người khác mà thôi; không tranh đấu, cũng chỉ là không muốn lãng phí lời nói, nhiều hơn là để giải thoát cho chính tâm hồn mình.
Mối quan hệ của người trưởng thành, thường là nhìn thấu không phơi bày, ghét bỏ không lật mặt, giữ nụ cười trên môi nhưng đã có sự đề phòng trong lòng, lặng lẽ để lại một khoảng trống cho chính mình và cũng là một phần tôn trọng cho người khác. Bạn có quan điểm của bạn, tôi có lằn ranh của tôi.
Sự trưởng thành không chỉ là một con số, mà là qua thời gian, tuổi tác, kinh nghiệm, dần dần có sự nhận thức sâu sắc và hiểu biết hơn về một vấn đề nào đó, từ đó khi đối mặt và xử lý sự việc, có thể bình tĩnh và vững tâm.
Mỗi người đều có cách sống riêng, chỉ cần sống vui vẻ và hạnh phúc là đủ.
Khi đến một độ tuổi nhất định, con người nên hiểu rằng, yên lặng mà không tranh đấu, mọi chuyện đều tùy duyên. Nhiều sự việc trong cuộc sống thực chất đã được định đoạt từ lâu, những gì có thể giữ được thì không cần phải cố gắng, những gì không thể giữ được thì không cần phải nỗ lực.
Càng lớn tuổi, càng thích sự đơn giản trong người và việc, một vòng tròn giản dị, mối quan hệ đơn giản, cuộc sống giản đơn. Không phải là không có khả năng giao tiếp với người khác, mà là không có thói quen diễn trò hay đeo mặt nạ. Mọi mối quan hệ nào khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi, thì đừng cố mà duy trì. Thay vì đối diện với rắc rối, tôi lựa chọn sự cô độc.