Trả lời:
Cơ thể ai cũng đổ mồ hôi và mồ hôi có mùi, chỉ khác nhau ở mức độ nặng nhẹ. Bản chất mồ hôi ở nách có nhiều protein hơn mồ hôi tiết ra ở những vị trí khác nên chúng dễ bị các vi khuẩn trên da phân hủy và tạo mùi khó chịu. Song, không phải ai đổ mồ hôi nách cũng có mùi. Tùy theo lối sống, ăn uống, vệ sinh cơ thể, tuổi tác, bệnh tật… mà chất tiết trong mồ hôi sẽ khác nhau.
Sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe. Axit lactic trong sữa chua có thể kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giảm lượng vi khuẩn bài tiết ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi. Mỗi ngày, bạn nên ăn một đến hai hộp sữa chua để cải thiện tình trạng bệnh hôi nách. Trường hợp béo phì có thể ăn sữa chua không đường.
Ngoài ra, bạn nên uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả để đào thải độc tố ra ngoài, giảm bài tiết mồ hôi và bã nhờn hiệu quả. Nên chọn các loại rau củ quả giàu chất xơ, vitamin A, B, C như cà rốt, chanh, dưa hấu, rau ngót… Đặc biệt, dưa hấu cải thiện tình trạng hôi nách hiệu quả vì chứa nhiều nước và các dưỡng chất cần thiết hơn các loại trái cây khác.
Các loại thực phẩm có mùi đặc trưng như sầu riêng, mít, cà phê, cà ri, lá hẹ, hành, tỏi… sẽ khiến tình trạng hôi nách thêm trầm trọng. Nếu hệ tiêu hóa kém, các chất này cũng khó chuyển hóa mà đào thải qua tuyến mồ hôi làm cho mùi hôi nồng hơn.
Khi bị hôi nách, bạn nên cần tránh các món ăn gây nồng, cay, nóng. Hạn chế đồ uống có cồn, chất kích thích. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát. Hạn chế cạo, nhổ lông nách. Hạn chế thức khuya, ngủ không đủ giấc.
Lương y Bùi Đắc Sáng
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội