Nếu được hỏi điều gì khiến mẹ nhớ nhất trên hành trình cho con ti trực tiếp thì có lẽ câu trả lời chính là khoảnh khắc trong video này đây. Giây phút nghe tiếng cười khúc khích của con, cảm nhận được sự gần gũi và thiêng liêng của tình mẫu tử khiến mẹ muốn lưu giữ mãi, tiếc nuối vô bờ vì nghĩ tới ngày sẽ phải cai sữa cho con.
Đoạn clip vỏn vẹn 17 giây nhưng khiến hội mẹ bỉm phải tua đi tua lại vì sự dễ thương quá đỗi của em bé 22 tháng tuổi. Dĩ nhiên, cho con bú có rất nhiều áp lực, đau đớn phải chịu, thế nhưng các mẹ tâm sự rằng thành quả ngọt ngào này bù lại cũng thật sự xứng đáng.
Khoảnh khắc đáng yêu nhất với những người mẹ cho con ti trực tiếp
Nhiều mẹ chia sẻ yêu vô cùng cảm giác được con ngậm lấy đầu ngực mình, đôi mắt to tròn ngước nhìn mẹ, bàn tay nhỏ xinh ôm lấy bầu vú mẹ. Được cảm nhận dòng sữa ngọt ngào của mình nuôi dưỡng con hàng ngày, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thậm chí có những hôm không cho con ti được, không ít mẹ còn thèm nhớ cảm giác đấy vô cùng.
Điều này nhiều khi khiến các mẹ cũng khó hiểu, không biết là con bện hơi mẹ hay mẹ bện hơi con đây? Mặt khác, ti trực tiếp luôn là phương pháp vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng nhất cho trẻ.
Những bà mẹ cho con ti trực tiếp có những khi hàng tháng trời chẳng xa con được quá 1 tiếng vì bé đòi mẹ, có những đêm thức trắng vì con rúc, có những lúc lưng áo ướt đẫm mồ hôi vì ôm con, có những lần đau đến chảy nước mắt vì bé mọc răng rồi cắn ti mẹ… vất vả và nhọc nhằn biết bao nhiêu. Vậy nhưng nhiều người mẹ vẫn quyết định hi sinh thời gian, sức khỏe và bầu ngực con gái của mình để dành cho con yêu những gì tuyệt vời nhất.
Bú mẹ trực tiếp có gì khác so với cho bé bú bình?
1. Bú sữa mẹ trực tiếp cung cấp nhiều kháng thể bảo vệ bé hơn
Kháng thể là những protein trong máu được tạo ra để đáp ứng với các vật chất lạ mà cơ thể nhận ra như vi khuẩn và virus. Khi tiếp xúc trực tiếp với cơ thể bé và khi mẹ cho con bú trực tiếp, cơ thể mẹ có thể tạo ra các kháng thể, cung cấp cho bé thông qua sữa mẹ. Trong khi nếu bé bú sữa mẹ từ bình sẽ làm giảm đi một số kháng thể và tiêu diệt một vài tế bào sống.
2. Bú sữa mẹ trực tiếp giúp phát triển vùng hàm, mặt tốt hơn
Cho bé bú sữa mẹ trực tiếp giúp cho sự phát triển bình thường của hàm, răng, cấu trúc hàm mặt, tiếng nói. Hoạt động bú mẹ giúp luyện tập cơ vùng mặt và thúc đẩy sự phát triển hàm mặt một cách cân xứng đồng thời cũng giúp trẻ phát triển khả năng nói và phát âm rõ. Đã có nghiên cứu ghi nhận, những trẻ bú sữa mẹ trực tiếp giảm khả năng cần phải niềng răng và chỉnh hình, so với bú bằng bình, và trẻ sẽ giảm tỷ lệ răng bị nghiêng nếu được bú mẹ trong một năm đầu đời. Hoạt động của lưỡi trẻ bú sữa bình sẽ khác với trẻ bú sữa mẹ trực tiếp và theo thời gian có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của mô miệng và mặt. Việc bú bình, ngậm núm vú giả, mút ngón tay cũng có thể ảnh hưởng đến hình dạng vòm, hàm, răng và cấu trúc mặt của trẻ.
Hạnh phúc của mẹ.
3. Bú sữa mẹ trực tiếp giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh
Khi cho bú mẹ giúp bé tiếp xúc da kề da với người mẹ. Trẻ sẽ được giữ ấm tốt, ít khóc và có sự kết nối mẹ – con nhiều hơn. Người mẹ cho con bú trực tiếp cảm thấy vui, hạnh phúc, thích thú với việc tiết sữa cho con, tăng phóng thích oxytocine và tự hào với thiên chức làm giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
4. Bú sữa mẹ trực tiếp giảm nguy cơ béo phì cho bé
Khi trẻ bú bình sẽ không kiểm soát lượng sữa theo nhu cầu, trẻ dễ bị uống sữa vượt quá lượng cần thiết dẫn đến trào ngược và ói. Khi bú mẹ trực tiếp, người mẹ sẽ không biết được lượng sữa bé bú, nhưng sẽ biết được trẻ đã bú đủ chưa thông qua những dấu hiệu như trẻ không khóc, ngủ ngon và phát triển tốt. Trong khi bú bằng bình, người mẹ thường sốt ruột và hối thúc trẻ bú nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu ghi nhận những trẻ bú sữa mẹ trực tiếp có khả năng kiểm soát nhu cầu ăn uống tốt hơn trẻ bú sữa bình, động tác bú trực tiếp giúp ngăn ngừa sự tăng cân quá mức ở trẻ và nguy cơ trẻ bú sữa bình sau này dễ bị béo phì hơn (Isslemann 2011).
Ngoài ra việc cho con bú sữa mẹ trực tiếp tiện lợi, ít tốn kém và đáp ứng nhu cầu bé ngay khi đói. Trong khi cho bé bú sữa mẹ bằng bình cần phải tốn kém trang bị nồi hấp, tủ trữ chuyên dụng, máy hút sữa, bình sữa, núm vú,… và khi bé đòi bú cần mất thời gian lấy sữa, rã đông.