Khi con bước vào thời kỳ ăn dặm, chị Quỳnh Trang (sống tại Hà Nội) đã lên kế hoạch cho thực đơn ăn uống suốt 1 tháng của con. Tiêu chí của bà mẹ trẻ là gia đình ăn gì con ăn nấy, tuy không quá cầu kì phức tạp nhưng những thứ cho con mình luôn phải chỉn chu. Chỉ 5-10 phút chế biến là đã có bữa ăn ngon cho con rồi.
Em bé Gấm đáng yêu
3 ngày đầu lượng ăn của con chỉ tầm 10-20ml để làm quen thôi các mom nhé. Bước sang ngày thứ 4 bắt đầu bổ sung đạm luôn. Sau 4-5 ngày ăn cháo thịt các loại liên tiếp, sang tuần thứ 2 mình chuyển qua cháo thịt + rau nhé. À bí đỏ, cà rốt không nên ăn nhiều hoặc liên tục gây vàng da khó tiêu.
Việc cung cấp đủ chất béo vô cùng quan trọng cho sự phát triển trí não của con, có khoảng 40% năng lượng trong khẩu phần ăn đến từ chất béo. Mình cho Gấm ăn xen kẽ 2 loại mỡ/dầu tỉ lệ cân bằng 50:50.
Hoa quả không thay thế rau được, khi mới tập ăn chỉ ăn 1 lượng nhỏ 15-20g nhé. Các bé 7m+ mẹ cũng có thể tham khảo menu này nhé. Khác chỗ là lượng đạm sẽ tăng lên là 15g còn các nhóm các vẫn giữ nguyên.
1 trong số các nguyên nhân mà các mom hay gặp phải khi nấu xong mà con không thích ăn chính là cháo chưa có đủ độ ngọt. Có 3 cách tạo độ ngọt, thơm ngậy cho cháo là: Thêm nước dashi; Thêm 1 miếng táo/lê (chín vớt ra không xay cùng); Thêm 1 thìa sữa công thức ( có thể pha ra hoặc để nguyên dạng bột).
Không nên cho con uống nước ép hoa quả tầm này dễ gây tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng,…
Riêng cá và các loại hải sản không cho vào nồi nấu chung như thịt. Mình sẽ hấp/luộc với gừng để khử tanh và giúp con dễ tiêu hóa hơn. Với bạn Gấm đến bữa mình cho con ngồi ngay ngắn vào ghế tránh những nơi phát ra tiếng ồn/nói chuyện qua lại, đặc biệt không cho con vừa ăn vừa cầm đồ chơi hay xem linh tinh.
Dưới đây là một số kinh nghiệm cho con ăn dặm của chị Trang, hy vọng giúp ích cho các bố mẹ nhé.
1. NGUYÊN TẮC ĂN DẶM
– Ăn dặm đúng thời điểm, khi có đủ kỹ năng cho thấy đã sẵn sàng.
– Cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu, cân đối các nhóm chất, vi chất, khoáng chất, vitamin.
– Ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc.
– Tôn trọng cảm giác no, đói của con, tuyệt đối không ép ăn.
– Tạo môi trường ăn uống vui vẻ.
– Mục tiêu giới thiệu nhiều loại thức ăn, mùi vị, sau 12 tháng có thể ăn thức ăn như cả nhà.
2. THỜI ĐIỂM NÀO ĂN DẶM?
Không nên cho con ăn sớm?
– Khi con chưa có kỹ năng vận động miệng, nuốt rất dễ hít sặc.
– Hấp thụ không đầy đủ các chất, tăng tải cho thận.
– Tăng nguy cơ béo phì.
– Ăn ngũ cốc trước 3 tháng tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường typ 1.
Không nên cho con ăn muộn
– Giảm tăng trưởng (cân nặng, chiều cao).
– Thiếu sắt ở trẻ bú sữa mẹ.
– Chậm phát triển chức năng vận động miệng.
– Ác cảm với thức ăn đặc.
– Phát triển bệnh dị ứng (hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm, dị ứng thực phẩm…).
– Trì hoãn cho trẻ ăn ngũ cốc đến sau 7 tháng, cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường typ 1.
Thời điểm thích hợp nhất là từ 5.5 – 6 tháng. Khi mình đánh giá được kỹ năng phát triển sau:
– Con có thể lẫy được, ngồi được, kiểm soát đầu và cổ.
– Khả năng lưỡi đẩy thức ăn được đưa vào miệng hoặc ra ngoài, cho vật bất kỳ vào miệng: tay, đồ chơi, kéo đồ ăn vào miệng…
– Khả năng thể hiện sự thèm ăn (mở miệng và nghiêng người về phía trước).
– Khả năng thể hiện cảm giác no (ngả người ra sau hoặc quay đi).
3. BẮT ĐẦU ĂN NHƯ NÀO?
– Khi bắt đầu: sữa vẫn tiếp tục 800-1000ml/ngày.
– Giới thiệu 1 loại thực phẩm/1 lần: Ủy ban AAP về Dinh dưỡng gợi ý:
Cho ăn ngũ cốc và thịt xay nhuyễn trước (sắt, kẽm).
Ngũ cốc và thịt được chấp nhận, mới đến hoa quả, rau củ xay nhuyễn.
Không thêm đường và muối.
1 loại thực phẩm nên được giới thiệu lần lượt trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày để cho phép xác định tình trạng không dung nạp thực phẩm.
4. AN TOÀN THỰC PHẨM
– Thức ăn thừa trong bát, sau khi ăn nên được bỏ đi.
– Ăn chín uống sôi để đảm bảo không ăn phải mầm bệnh.
– Nên có riêng các dụng cụ bảo quản thức ăn.
5. THỰC PHẨM NÊN TRÁNH VÀ LƯU Ý
Một số loại nên tránh đối với trẻ < 1 tuổi:
– Thực phẩm đóng hộp: Đường, muối.
– Nước dashi nấu từ cà rốt, bí đỏ dùng tối đa 3 lần/tuần.
– Hoa quả không thể thay thế rau.
– Thức ăn cứng, tròn: Các loại hạt, cà rốt sống, kẹo tròn.
– Mật ong gây ngộ độc.
– Sữa bò nguyên chất: Năng lượng thấp, đạm thấp, sắt thấp.
– Sữa nguồn gốc thực vật: Ví dụ sữa đậu nành, sữa hạt.
– Nước hoa quả ép: Có thể gây tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng.
– Đồ uống có đường: Tăng nguy cơ béo phì.
6. CÁCH NẤU CHÁO
Định lượng thực phẩm: 1 bữa/ngày ~ 80-100ml cháo.
– Ngũ cốc: 10g.
– Thịt/cá: 10g.
– Rau/củ: 10g.
– Dầu/mỡ: 10g.
– Thêm 1 miếng táo/lê tạo độ ngọt.
– Thêm sữa mẹ/sữa công thức: 5g tạo vị thơm ngậy (không bắt buộc).
Chế biến:
– Bước 1: Nấu cháo tỉ lệ 1:10 + thịt + 1 miếng táo + nước/nước dashi vào nồi nấu chậm. Có thể nấu cháo qua đêm (nếu là cá thì sẽ luộc/hấp riêng không cho chung như thịt).
– Bước 2: Rau củ hấp/luộc/chần sơ.
– Bước 3: Khi cháo chín, cho cháo + thịt + rau/củ vào xay nhuyễn (lưu ý bỏ miếng táo ra không xay cùng).
– Bước 4: Cho hỗn hợp cháo đã xay vào nồi đun sôi và thêm 5ml dầu/mỡ vào khuấy đều.
– Bước 5: Đổ cháo ra bát, để nguội tầm 60 độ cho thêm sữa mẹ/sữa công thức để bát cháo có vị thơm ngon hơn, con dễ tiếp nhận hơn nhé.
Nên nhớ 70% mỡ động vật, 30% dầu thực vật khi cho con ăn dặm nhé.