Mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu từ xưa đến nay vẫn luôn là chủ đề được nhiều chị em đưa ra bàn tán. Lấy đúng chồng là một may mắn, nhưng lấy đúng nhà chồng thì còn hạnh phúc hơn gấp bội. Có được bố mẹ chồng văn minh, hiện đại, luôn yêu thương, chăm sóc con cháu là niềm tự hào đối với bất cứ gia đình nào.
Thế nhưng, sự quan tâm thái quá của bố mẹ chồng lại khiến cho người mẹ dưới đây cảm thấy không chịu được. Bà mẹ trẻ muốn có cuộc sống riêng, được chăm con theo cách của mình nhưng gần như không được sự tán thành của bà nội. Trong gia đình có 3 thế hệ, việc bất đồng quan điểm thực sự gây ra nhiều mâu thuẫn, sự trái ngược trong cách chăm cháu cũng dẫn đến nhiều vấn đề tranh cãi.
“Khi có em bé mới nhiều chuyện phát sinh – giờ em mới thấm câu của chị gái nói khi em lấy chồng. Bố mẹ chồng em tốt, quan tâm miếng ăn giấc ngủ nhưng lại làm em thấy ngột ngạt.
Cháu vừa khóc một cái là “cháu đói” thúc ép cho ăn. Em nói nó vừa ăn chưa được tiếng chỉ là gắt ngủ thôi. Bà vẫn nhất quyết cho ăn, kết quả nó ăn được 1/3 bình là ngủ thì lại chê cháu ăn uống nhả nhớt. Ăn không ra cữ, bú vặt cứ tiếng dậy 1 lần làm em oải kinh khủng.
Em không cấm bế cháu, cũng không cảm thấy ích kỷ khi ông bà bế cháu. Nhưng hỡi ôi tuần sinh lý nó vặn vẹo người khó chịu 1 cái là lại bế. Tối ôm cháu ngủ cả tối nên ban ngày nó ọ ẹ 1 tí cũng chạy lên kêu bế con đi cứ để con khóc thế. Bình thường nó ngủ em còn đi rửa bình, vệ sinh cá nhân lặt vật. Giờ thì đặt nó xuống nó mở mắt và lại đòi bế ngủ.
Tummy time cho nhỏ em cũng lựa lúc ko có ông bà, vậy mà có hôm nhìn thấy bà lại “ui nó còn nhỏ thế cổ làm sao đỡ được”, rồi bla bla. Ngay cả vỗ ợ cũng vậy, kêu tao chăm bao nhiêu đứa chả đứa nào cần vỗ.
Mọi người bảo sao không nói thẳng thì thật sự quan hệ mẹ chồng nàng dâu nó khó mở lời lắm. Ông bà cũng có lòng quan tâm, Nhiều khi em cũng nói ý kiểu mẹ cứ để nó nằm kêu tí cho quen thì lát sau đã thấy bà ôm gọn nó rồi. Còn chồng thì đúng kiểu “chỉ là chăm con” chứ có gì to tát đâu.
Em ở riêng nhưng ông bà lên chăm chứ không phải sống chung với bố mẹ chồng. Muốn về ngoại lắm mà ngặt nỗi con em đang mắc xíu bệnh nhỏ cần theo dõi để làm tiểu phẫu”, người mẹ tâm sự.
Có thể thấy người mẹ trong câu chuyện trên đang trải qua những ngày ở cữ không được suôn sẻ, làm gì cũng sợ mất lòng ông bà, nhưng không được làm theo ý mình khiến tâm trạng dễ cáu bẳn, stress, thậm chí phải cố tránh ông bà để chăm con nhưng không may lại bị phát hiện… Cảm giác ấy quả thật chỉ có những người mẹ đã từng trải qua hoàn cảnh này mới hiểu.
Ông bà cũng rất yêu thương và muốn chăm nom, chiều chuộng cháu. Có được bố mẹ chồng chia sẻ từng li từng tí cũng là một niệm hạnh phúc, thế nhưng sự quan tâm thái quá đôi khi khiến mẹ bỉm cảm thấy bí bách, ngột ngạt với cuộc sống mà chưa biết làm thế nào để thoát ra. Một phần vì nể bố mẹ chồng đã vất vả trông cháu, một phần lại lo lắng không biết cứ như vậy rồi bản thân có trầm cảm hay stress không.
Dưới phần bình luận, nhiều người đưa ra lời khuyên cho mẹ bỉm. Đa số đều rất cảm thông, chia sẻ với người mẹ về tình huống này bởi nó xảy ra ở rất nhiều gia đình hiện nay. Đa số đều khuyên là sau khi hết tháng ở cữ, mẹ bỉm nên cảm ơn ông bà đã chăm sóc thời gian qua, khi đã hồi phục sức khỏe thì một mình cũng có thể chăm con được.
Tuy nhiên, cách này cũng không thể kéo dài bởi sau khi mẹ bỉm đi làm vẫn phải nhờ cậy đến ông bà. Thế nên hãy dành thời gian nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ của bản thân hoặc nhờ bác sĩ tới nhà chia sẻ với ông bà. Bên cạnh đó, người chồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc này, không thể thờ ơ, phải trở thành cầu nối giữa mẹ chồng và nàng dâu để gia đình êm ấm hơn.