Sốc nhiệt lẫn sốc văn hóa!
Zach (30 tuổi) là một người Mỹ sống ở TPHCM được 9 tháng. Công việc của anh là dạy tiếng Anh ở các trung tâm và trường THCS. Zach nói vui, anh đã phải “chiến đấu” với nhiệt độ trong suốt mùa nắng nóng cao điểm.
Ở trường học, mọi người nghỉ trưa từ 11h30 đến 13h30 và tìm mọi cách để làm mát mình. Đầu tiên, Zach tìm đến quán cà phê hoặc cửa hàng tiện lợi có điều hòa. “Tôi cảm thấy nó đủ giải quyết cái nóng tạm thời nhưng một bữa trưa ở quán ăn không có quạt sẽ là thảm họa”, anh nói. Zach bắt đầu thói quen uống đá, anh cho đá vào mọi cốc cà phê và nước chanh.
Zach
Chàng trai người Mỹ lớn lên ở tiểu bang Oregon, nơi có thời tiết nóng khoảng 3-4 tháng vào mùa hè và sẽ mát dần cho đến khi đến mùa đông, nền nhiệt có khi âm độ.
Người dân Oregon hay mặc áo hoodie, áo len và quần dài vào mùa thu hoặc đông để giữ ấm. Tuy nhiên, Zach đã sốc khi thấy người Việt Nam cũng mặc nó vào mùa hè để tránh nóng. Sau này, anh mới hiểu ra họ muốn tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Anh có sở thích chụp ảnh phong cảnh và điều này là một thách thức nếu thực hiện nó dưới thời tiết gần 43 độ C. “Tôi luôn mang theo chai nước lớn, quần dài và mũ nữa. Tôi sợ bị cháy nắng lắm.
Cái nóng có thể bất ngờ “tấn công” sức khỏe nếu tôi quên uống đủ nước hoặc nghỉ ngơi”, Zach nói.
Anh quan sát thấy người Việt Nam hay ngủ trưa khi mặt trời lên đỉnh. Zach cho rằng ngủ trưa không có trong “từ điển” của người Mỹ nhưng anh đã bắt đầu làm điều này thường xuyên hơn để tránh đi cái nóng thiêu đốt.
Chàng trai nói: “Tôi dùng một nửa giờ nghỉ trưa của mình để ngủ và nó làm tôi trở nên tỉnh táo, sảng khoái”. Những ngày cực nóng, anh chọn cách đi biển gần TPHCM để tận hưởng không khí mát mẻ. Gió thổi vào bờ biển và những rặng dừa che bóng mát luôn là chỗ tránh nóng lý tưởng. Vì thế, anh luôn tranh thủ những khoảng nghỉ hiếm hoi cuối tuần để “trốn” khỏi Sài Gòn.
Bất ngờ với hình ảnh đàn ông lưng trần
Sam (32 tuổi) là giáo viên IELTS đã đi 58 nước trên thế giới. Anh chọn sống ở Việt Nam trong nhiều năm qua, coi nơi đây là nhà của mình.
“Một vài người bạn của tôi đùa rằng nếu bạn có thể sống sót được với cái nóng ở đây, bạn có thể sống sót ở bất cứ đâu”, anh nói. Mà thật vậy! Anh cảm nhận được cái nóng gay gắt của Việt Nam tăng theo từng năm.
Anh học cách ứng phó với cái nóng bằng cách “đảo giờ sinh hoạt” như thả diều, chạy bộ hoặc chơi golf vào buổi tối. Lịch trình hàng ngày của Sam được điều chỉnh theo “khí hậu”, công việc và cuộc họp được sắp xếp vào thời gian chiều mát mẻ. Anh cũng thường xuyên lui tới quận 1 và TP Thủ Đức để tự gọi bia tươi và ăn bánh tráng cuốn.
Sam
Để giữ mát, Sam chọn cách trang phục từ vải lanh và cotton. “Bạn biết không, tôi đã mua những bộ suit lanh ở Việt Nam cực kỳ mát và lịch sự, phù hợp với khí hậu nhiệt đới”. Đồng thời, anh cũng thích thú thử nước mía với thật nhiều đá viên để cảm thấy sảng khoái.
Sam kể những ngày mới đến Việt Nam, anh ngạc nhiên khi thấy những người đàn ông hay vén lưng áo lên để đỡ đổ mồ hôi. Hình ảnh những người đàn ông lưng trần khiến anh thấy vui nhưng chưa dám thử.
Sam chưa gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến thời tiết, anh cho lời khuyên bạn bè là người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Cụ thể, họ cần giữ cơ thể đủ nước, mặc quần áo nhẹ và tránh ra ngoài vào phần thời gian nóng nhất trong ngày.
Ở TPHCM, khu vực người nước ngoài tập trung sống đông nhất là phường Thảo Điền, TP Thủ Đức và quận 7. Khu vực này thường có nhiều quán ăn, bar và nhà hàng với nhiều phong cách khác nhau.
Những ngày qua, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thời tiết TPHCM có nền nhiệt cao nhất khoảng 38 độ C nhưng thực tế đo được, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm hơn 42 độ C.