Để con cái trở nên ưu tú, xuất sắc, cha mẹ đã đầu tư rất nhiều công sức vào việc giáo dục. Trong quá trình nuôi dạy con, một số cha mẹ không chỉ can thiệp quá mức vào cuộc sống của con cái mà còn buộc tội, cằn nhằn bằng nhiều cách khác nhau.
Từ góc nhìn của cha mẹ, có vẻ như những hành động này là cách thể hiện tình yêu thương dành cho con và nó không có gì sai trái. Nhưng trên thực tế, cha mẹ càng nói nhiều thì con cái càng trở nên thua kém người khác. Cuối cùng, cha mẹ chỉ biết phàn nàn việc con cái không nghe lời mình.
Điều gì xảy ra với trẻ nếu cha mẹ nói quá nhiều?
Lời nói của cha mẹ rất quan trọng, có tác dụng định hướng con đường con cái đi. Tuy nhiên, vấn đề là mọi thứ cần phải có chừng mực. Việc dạy dỗ đúng cách sẽ khiến trẻ nhận ra lỗi sai của mình, ngược lại nếu thuyết giáo quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.
Khi cha mẹ kiểm soát quá mức, đương nhiên sẽ khiến cho con cái áp lực và khó chịu. Mỗi đứa trẻ đều có suy nghĩ và quá trình phát triển riêng nhưng cha mẹ luôn lấy lý do “yêu thương con, tốt cho con, vì lợi ích của con” mà yêu cầu trẻ làm theo ý mình.
Một đứa trẻ luôn phải vâng lời cha mẹ, không được nói ra ý muốn của bản thân, theo thời gian chúng có thể trở nên phụ thuộc quá mức vào cha mẹ, không có khả năng suy nghĩ độc lập cũng như giải quyết vấn đề. Thậm chí trẻ có thể trở nên nổi loạn, muốn chống đối lại cha mẹ.
Dù trẻ có trở thành người như thế nào, đó cũng không phải là điều tốt cho sự phát triển của chúng trong tương lai.
Muốn trẻ trở nên xuất sắc, cha mẹ hãy học cách “im lặng”
“Im lặng” không có nghĩa là cha mẹ tuyệt đối không nói gì mà họ cần học cách kiềm chế lời nói của mình trước mặt con cái, cho trẻ không gian để suy nghĩ.
Nói một cách đơn giản, cha mẹ chỉ nên nói khi cần, còn lại hãy để con cái tự giải quyết vấn đề của mình. Việc “im lặng” như vậy thực chất là biểu hiện của sự tin tưởng và tôn trọng trẻ.
Trưởng thành vốn là quá trình khám phá, thử và sai liên tục. Nếu cha mẹ từ chối cho con cái cơ hội khám phá, thử sức và phạm sai lầm, làm sao chúng có thể trưởng thành được?
Có một số vấn đề mà trẻ cần phải tự mình đối mặt và giải quyết. Quá trình này có thể thất bại hoặc có thể gây ra nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, nó giúp trẻ đúc kết được nhiều kinh nghiệm và cải thiện khả năng của mình.
Nếu cha mẹ cứ cằn nhằn trước mặt con, hướng dẫn con quá mức trong mọi việc, trẻ không thể có cơ hội đúc kết được kinh nghiệm từ thất bại.
Vì vậy, muốn con ngoan ngoãn hơn, xuất sắc hơn, trước tiên cha mẹ hãy học cách “im lặng”. Thứ nhất, nó sẽ không gây quá nhiều áp lực cho trẻ. Thứ hai, nó sẽ giúp trẻ có nhiều không gian hơn để suy nghĩ. Thứ ba, trẻ sẽ chủ động thử và giải quyết vấn đề.
Đừng đánh giá thấp việc cha mẹ “im lặng”
Có thể một số cha mẹ sẽ nói “con tôi quá lười biếng, không có ý thức gì cả, nếu không nhắc nhở sau lưng, có lẽ thành tích của nó còn tệ hơn“.
Đối với lý luận này của một số bậc cha mẹ, đó là do họ thiếu niềm tin vào con mình. Nếu họ không cho con mình cơ hội, làm sao họ biết chúng có làm tốt hay không.
Cha mẹ hãy thử đặt cược với con mình sau khi “im lặng” với chúng. Hầu hết cha mẹ sẽ nhận thấy con mình có sự thay đổi đáng kể sau đó.
Một số lợi ích của việc cha mẹ “im lặng” như:
– Kích thích tính tự chủ của trẻ
Khi trẻ đang phải đối mặt với vấn đề nào đó, nếu cha mẹ biết im lặng đúng lúc, chúng buộc bản thân phải tự giải quyết, từ đó kích thích tính tự chủ bên trong trẻ. Hơn nữa, trẻ dần nhận ra khả năng, giá trị của mình và trở nên tự tin hơn.
– Nuôi dưỡng khả năng tư duy độc lập
Không có cha mẹ rao giảng, thuyết giáo hay can thiệp quá nhiều, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ tự mình làm mọi thứ. Hành vi tưởng chừng như vô tâm của cha mẹ có thể rèn luyện khả năng phán đoán và tư duy logic của trẻ, trẻ không còn mù quáng làm theo người khác.
– Cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Việc cha mẹ rao giảng quá nhiều có thể khiến trẻ cảm thấy chán nản và bực bội. Từ đó, con cái có mối quan hệ không tốt với cha mẹ, muốn chống đối lại. Tuy nhiên, nếu cha mẹ im lặng, con cái sẽ có cái nhìn khác, mối quan hệ sẽ được cải thiện đáng kể.
Trong giáo dục, điều quan trọng là phải tạo cho trẻ sự tin tưởng, cha mẹ hỗ trợ nhiều hơn để chúng có thể lớn lên trong bầu không khí tự do và được tôn trọng.