Gia đình 3 người của anh Phan Hải Tùng Lâm (phóng viên Truyền hình Nhân dân của báo Nhân dân) chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng 2 năm nay. Từ thủ đô về thành phố biển miền Trung, thay đổi hoàn toàn môi trường sống, gia đình nhỏ có nhiều trải nghiệm mới mẻ. Hồi mới vào được 2 tuần, vợ Lâm đã thấy ân hận vì… không đi từ sớm hơn.
Từ câu hỏi vu vơ bên sông Hàn đến quyết định đổi đời: Bỏ thành phố về biển sống
Tùng Lâm gọi việc cả gia đình chuyển về Đà Nẵng giống như “nhận được tín hiệu của vũ trụ”. Hồi Tết 2022, dịch Covid-19 vừa vãn, cả nhà đưa nhau đi Đà Nẵng chơi. Lúc về, chuyến bay bị delay, hai vợ chồng Lâm ngồi cafe bên sông Hàn chơi, đợi giờ bay.
“Đột nhiên, vợ quay sang hỏi: ‘Nếu bây giờ chuyển nhà về Đà Nẵng ở, anh nghĩ thế nào?’. Công việc của mình đi công tác rất nhiều, đi rừng, đi biển suốt, mỗi lần về Hà Nội là lại thấy ngột ngạt. Nghe vợ hỏi thế, mình cũng vui mồm bảo: ‘Giờ chỉ thiếu mỗi tín hiệu vũ trụ thôi, còn anh thì sẵn sàng chuyển’.
Không ngờ, sau chuyến đi đó 2 – 3 tuần, vợ mình nhận được một offer của WWF cho vị trí trợ lý Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương. Công việc này linh hoạt, cô ấy không cần ngồi cố định ở văn phòng, thế là chúng tôi nghĩ đến chuyện chuyển vào Đà Nẵng.
Cơ quan mình vừa hay thời điểm đó cũng thiếu người thường trú khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Vậy là, chỉ sau 2 tháng, gia đình mình hoàn tất việc chuyển vào Đà Nẵng sống”.
Lâm cho biết, bản thân anh cũng là người có tình cảm rất mãnh liệt với mảnh đất miền Trung và mê biển, nên quyết định rất nhanh. Khi gia đình Lâm chuyển vào Đà Nẵng, bé Momo (con trai của cặp đôi) mới được 3 tuổi. Ông bà nội Momo ủng hộ hoàn toàn, còn ông bà ngoại có chút chạnh lòng, hụt hẫng, vì không muốn xa Momo – đứa cháu đầu tiên của gia đình.
“Bọn mình cũng thuyết phục ông bà một chút, giải thích việc chuyển về Đà Nẵng là vì phù hợp công việc; được sống ở môi trường trong lành hơn mà dịch vụ giáo dục, y tế không khác gì Hà Nội; và hai thành phố cũng khá gần nhau, thuận tiện tàu xe.
Sau đó, ông bà cũng rất vui vẻ và nghĩ rằng vậy là có thêm điểm đến mỗi khi đi du lịch. Thực tế là trong 2 năm chúng mình chuyển vào Đà Nẵng, ông bà hai bên đã vào chơi 3 – 4 lần, có khi tháng này ông bà nội vào thì tháng sau ông bà ngoại vào. Mình và vợ cũng phải đi công tác nhiều, nên ông bà hai bên cũng sẵn sàng “ứng cứu”, bay vào trông cháu”, Lâm kể.
Từ em bé “đi máy bay đi học” đến tuổi thơ ngập tràn thiên nhiên
Tùng Lâm chia sẻ, điều thuận lợi nhất khi chuyển nhà, ấy là cả 3 thành viên trong gia đình đều có tính thích nghi cao và linh hoạt. Bố mẹ Momo đã chuẩn bị trước tinh thần là khi đem con vào Đà Nẵng, con có thể sẽ khóc, sẽ quấy, lạ người, vì Momo đã đi học mẫu giáo hơn 1 năm ở Hà Nội rồi.
“Mình vào trước ít thời gian để sắp xếp nhà cửa, còn hai mẹ con vào sau. Hôm ấy 11 giờ trưa hai mẹ con xuống sân bay, bọn mình quyết định đưa con thẳng đến trường mầm non luôn.
Bố mẹ thì hồi hộp, ai ngờ trao tay con vào cô giáo mới, con vui vẻ vào lớp học luôn, không có thắc mắc gì. Lúc chiều đến đón, mình hỏi cô hôm nay Mô đi học có khóc hay lạ không, cô bật cười bảo con làm quen rất nhanh.
Khi các cô hỏi nhà con ở đâu, con hồn nhiên bảo: ‘Nhà con ở xa lắm, hôm nay con phải đi máy bay đi học’. Vì sự thích nghi ấy mà chúng mình rất tự tin về việc có thể ở đây lâu dài, không nghĩ đến việc rời khỏi Đà Nẵng quay về Hà Nội sống”.
Tùng Lâm cho hay, hai vợ chồng anh đều thấy hài lòng với cuộc sống, công việc hiện tại, thấy hạnh phúc khi ở Đà Nẵng. Từ nhà họ ở, đi xe máy 3 – 4 phút ra biển Nguyễn Tất Thành, còn đi 5 – 7 phút ra bãi biển du lịch Mỹ Khê nên cũng dễ cho con ra chơi.
Momo thời điểm đầu còn lạ biển, giẫm vào cát cũng lo lắng, cảm thấy không an toàn, xuống biển sóng đánh cũng cảm thấy muốn ôm bố mẹ, dần thì con dạn dĩ hơn. Em bé có có thể bơi 15 – 20m không cần phao bơi, thích lặn, biết chèo sup. Với ông bố trẻ, một em bé 5 tuổi thành phố như thế là khá giỏi.
Bỏ phố về biển được nhiều thứ, nhưng không ít người vỡ mộng
Tùng Lâm nói, có 4 điều khiến gia đình nhỏ thỏa mãn nhất khi sống ở Đà Nẵng. Thứ nhất, gu của hai vợ chồng đều thích sống chậm, không thích sự sôi động ồn ào náo nhiệt, nên thấy Đà Nẵng hoàn hảo với mình. Hà Nội có gì thì Đà Nẵng có nấy, chỉ là phiên bản chậm rãi hơn, bớt ồn ào náo nhiệt hơn.
“Vợ mình làm việc từ xa nên ở Đà Nẵng tương đối dễ chịu; còn miền Trung Tây Nguyên là vùng đất khá hợp với mình. Sống ở đây cảm giác ít cạnh tranh và mình cũng không thiếu chất liệu để làm bài, trau chuốt sản phẩm kỹ hơn”.
Thứ hai, Đà Nẵng là thành phố nhỏ nhưng đầy đủ các địa hình, có núi, có biển, có sông, thậm chí đi vào vùng xa kiểu Hòa Vang có dân tộc thiểu số, đặc sắc văn hóa cũng vẫn còn nguyên.
“Ở Hà Nội, muốn đi gặp bạn bè đối tác trao đổi công việc, mọi người thường rủ nhau đi cafe không, trà đá không. Còn ở Đà Nẵng là đi Sơn Trà không, ra biển không, rất khác biệt, rất chill”.
Thứ ba, mức sống ở Đà Nẵng rất vừa vặn với cặp đôi. Tùng Lâm tiết lộ, với mức chi tiêu tương đương ở Hà Nội, về Đà Nẵng sống khá thoải mái.
“Theo cá nhân mình thấy giá cả hợp lý, ai với mức sống nào có thể tìm thấy chỗ phù hợp.
Như nhà mình đang ở, giá chỉ bằng 2/3 ở Hà Nội với vị trí đẹp và diện tích tương tự. Vì mức lương của mình vẫn được đảm bảo, nên sống ở Đà Nẵng đôi khi có cảm giác như được tăng lương vậy”.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất họ nghĩ Đà Nẵng phù hợp với gia đình, đó là dễ dàng cho con có tuổi thơ đáng nhớ.
“Trước chưa kết hôn mình không để ý, có con rồi, nhiều khi cuối tuần chẳng biết đi đâu, chỉ có trung tâm thương mại, hoặc công viên, khu vui chơi, hoặc phải di chuyển xa. Ở Đà Nẵng thì nhiều không gian để con có tuổi thơ ý nghĩa.
Ví dụ đi 1 tiếng là ra đến Lăng Cô, Huế, về vùng biển hoang sơ hơn hay làng chài; hoặc đi 45 phút về phía Nam có Hội An. Không thiếu những nơi để bản thân mình và con trải nghiệm sống gần gũi với thiên nhiên”.
Ngoài những thứ tâm đắc, Tùng Lâm cũng “cảnh báo”: Bỏ phố về biển không phải là một trào lưu dành cho những người kiệt sức vì công việc muốn đi tìm bình yên.
Với những người làm nghề ít tiếp xúc xã hội sẽ gặp khó khăn hơn. “Có lẽ cần chuẩn bị cho mình tâm thế khi rời thành phố về biển, hoặc về bất cứ vùng nào khác, đó là sắp tới sẽ có rất nhiều chuyện xảy ra và phải chuẩn bị phiên bản tốt nhất của mình để đối mặt với những điều đấy.
Ai cũng biết bỏ phố về biển sẽ có được nhiều thứ, có được biển, có những sự tuyệt vời của thiên nhiên, trong lành của môi trường, cuộc sống mới, trải nghiệm mới.
Nhưng không phải ai cũng biết bỏ phố về biển mình sẽ phải đối mặt với những thứ lạ lẫm. Sau cái mới mẻ sẽ là cái lạ lẫm: Những con người mới, phong cách sống mới, văn hóa hoàn toàn khác biệt.
Những người không chuẩn bị tâm thế tốt có thể sẽ quay về thành phố sớm, coi như có một kỳ nghỉ 2 tháng, 4 tháng rồi đâu lại vào đấy. Còn chuẩn bị tâm thế tốt rồi sẽ ổn thôi.
Chúng mình có biết nhiều người ở nơi khác đã đến Đà Nẵng sống, họ vượt qua khó khăn bằng cách linh hoạt nhất có thể, có người thay đổi chỗ ở liên tục, thay việc liên tục. Nhưng với tâm thế sẵn sàng cho sự linh hoạt, họ vẫn ở được đấy. Có người đã ở Đà Nẵng đến năm nay là năm thứ mười hai rồi”.