Hằng ngày tất bật với cửa hàng ăn từ sáng sớm, chiều tối lại quay cuồng với việc chăm 2 con ăn uống, học hành khiến chị Đoàn Ngọc Linh nhà ở huyện Thanh Trì, Hà Nội lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian. Thêm vào đó, các bạn nhỏ lại hay ốm nên việc chăm con cũng thêm phần vất vả. Chính vì thế, việc tiêm chủng của con giai đoạn từ 3 tuổi trở đi, chị Linh có phần sao nhãng.
“Trước 3 tuổi thì em nhớ rõ lịch tiêm chứ còn sau 3 tuổi có những mũi nhắc lại thì em lại không quan tâm nhiều, nên là có những mũi bị bỏ dở, ví dụ viêm não Nhật Bản, cúm, sởi- quai bị-rubella” – chị Linh nói.
Cũng giống chị Linh, chị Đinh Liễu ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không còn có thói quen nhìn lịch tiêm của con hằng tháng như khi các bé còn nhỏ. Với những lần quên ngày càng nhiều, đã có lúc các con bị bỏ lỡ tới 3-4 mũi tiêm nhắc lại. Thực tế, các con vẫn thường xuyên mắc bệnh nhưng vì đã lỡ lịch tiêm một vài năm nên không ít mẹ bỏ qua luôn những mũi tiêm phòng bệnh truyền nhiễm, cho dù đó là những căn bệnh nguy hiểm.
Và tất nhiên, có rất nhiều lý do khiến các mẹ không thể đưa con đi tiêm đúng lịch hoặc quên luôn. “4-5 tuổi thì mình cũng đơn giản hóa, vì các con cũng lớn rồi nên mình cũng không cầu toàn quá, tâm lý cũng không bị lo như ngày bé”- chị Liễu cho biết.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Văn Thành- Trung tâm tiêm chủng – Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc tiêm vaccine là cần thiết để tạo ra kháng thể, giúp phòng bệnh một cách tương ứng cho trẻ. Vì vậy, việc tiêm đúng lịch, đầy đủ sẽ giúp phòng bệnh sớm nhất và hiệu quả nhất. Vì thế, giai đoạn nào, trẻ cũng cần được tiêm phòng đầy đủ, trong đó có các mũi tiêm nhắc lại.
“Ngoài giai đoạn sơ sinh rất nhiều các mũi tiêm, càng về sau, các mũi tiêm sẽ thưa dần, chỉ còn một số mũi nhắc lại thôi. Bên cạnh đó, cha mẹ nghĩ rằng, tiêm muộn cũng không sao nhưng mà điều này đặc biệt không tốt, bởi vì một số vaccine sau khi tiêm xong, những kháng thể tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian và cần có thêm các mũi tiêm nhắc lại để củng cố thêm các kháng thể đã tạo ra trước đó. Ví dụ như một số mũi tiêm cần nhắc lại trong giai đoạn tiền học đường, 4-6 tuổi, chúng ta sẽ cần cho trẻ đi tiêm một số mũi nhắc lại như sởi- quai bị- rubella, mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván, mũi phòng bệnh viêm não Nhật Bản” – BS Nguyễn Văn Thành lưu ý.
Nếu bố mẹ quên, bỏ sót hoặc trễ lịch tiêm, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Thời gian gần đây đã xuất hiện bệnh ho gà, thủy đậu, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa, việc lây lan dịch bệnh diễn ra rất nhanh và nguy hiểm.
Vậy nếu lỡ lịch tiêm khá xa, các mẹ có thể cho con tiêm bù các mũi phòng bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn trẻ lớn hơn được không? Cách thức tiêm nên được thực hiện như thế nào?
“Theo thông tư 38, của Bộ Y tế ban hành năm 2017, đã quy định rất rõ các bệnh truyền nhiễm mà trẻ bắt buộc phải tiêm trong chương trình tiêm chủng và trong quy định này cũng đã nêu là trong trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch thì cần phải tiêm càng sớm, càng tốt sau đó. Tức là chúng ta cần phải tiêm bổ sung các mũi còn thiếu sau đó. Ngoài ra, nếu tiêm muộn thì cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, cha mẹ nên cho con tiêm bổ sung thôi”- bác sĩ Thành khuyến cáo.
Đặc biệt, BS Nguyễn Văn Thành cũng lưu ý các bậc cha mẹ về 3 giai đoạn trẻ cần tiêm vaccine đầy đủ đó là giai đoạn trẻ nhỏ, giai đoạn tiền học đường và giai đoạn trẻ lớn.
“Trẻ em sẽ chia theo nhóm tuổi, ví dụ như trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) sẽ phải thực hiện nhiều mũi tiêm và bố mẹ cũng sát sao để cho trẻ tiêm đúng lịch. Giai đoạn trẻ tiền học đường (4-6 tuổi) có một số mũi cần tiêm nhắc lại đầy đủ như sởi- quai bị- rubella, mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván, mũi phòng bệnh viêm não Nhật Bản…Trẻ lớn, trẻ trong độ tuổi vị thành niên sẽ là vaccine ngừa virus HPV ở cả trẻ gái và trẻ trai”- BS Thành cho hay.