Bí quyết giữ sạch nhà cửa cùng con
Nhiều cha mẹ than trẻ ngày nay lười và thường ỷ lại, đồ đạc sẵn sàng vứt bừa bãi nhưng không bao giờ chịu dọn.
Chị Lê Thu Phương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con gái học lớp 7 nhưng không động chân động tay vào việc gì. Có một cô con gái nên anh chị cũng thương con, chiều chuộng không bắt làm việc nhà. Càng lớn, con con lười và rất bừa bộn. Sáng dậy ra khỏi giường chăn màn luộm thuộm, đồ trong nhà vứt lung tung nhưng con sẵn sàng bước qua thay vì dọn dẹp hoặc nhặt lên.
Chị lo lắng, nếu cứ lười biếng và không gọn gàng, con sẽ trở thành người thiếu quan tâm và trách nhiệm.
Vậy, làm thế nào để giúp con gọn gàng, ngăn nắp để làm chủ cuộc sống? Cô Nguyễn Hồng Hạnh (Trường THPT Nguyễn Du, Nam Định) cho rằng, cách đơn giản là tạo môi trường và giao ước từ đầu. Đồng thời, cha mẹ hãy cho phép trẻ chơi với nhiều loại đồ chơi, sách, vật dụng gia đình an toàn.
Chuẩn bị một góc chơi đùa dành riêng cho trẻ, để chúng thỏa sức chơi trong lãnh địa bé nhỏ của mình. Chẳng hạn, nếu trẻ muốn vẽ, bố mẹ có thể chuẩn bị giấy dán lên tường sẵn và chỉ được chơi trong một phạm vi nhất định.
Cô Hạnh chia sẻ: “Ngay từ khi đi mẫu giáo, bé đã được nhà trường dạy cách giữ gìn vệ sinh và ý thức gọn gàng, ngăn nắp. Hằng ngày đến lớp, bé được cô cho tự rửa tay theo hướng dẫn và tự lau mặt, chải răng. Các bé sẽ biết phân biệt dép đi trong lớp học và đi trong nhà vệ sinh. Trước và sau khi ăn đều rửa tay sạch sẽ.
Đến giờ chơi, trẻ luôn được cô nhắc nhở, hướng dẫn lấy đồ chơi ra, sau khi chơi xong phải cất đúng chỗ. Bé nào làm tốt sẽ được động viên bằng cách dán sổ bé ngoan và nêu gương trước lớp vào ngày cuối tuần. Do vậy, ở nhà cha mẹ cũng cần giúp con tiếp tục duy trì những thói quen đó để hình thành tính cách gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ”.
Cô Hạnh cũng cho rằng, cha mẹ có thể đánh dấu vị trí cụ thể cho mọi thứ đồ từ đồ chơi, sách vở, quần áo bẩn, quần áo sạch… để trẻ biết món đồ đó sẽ nằm ở vị trí nào, từ đó có thể tự dọn dẹp. Khi quy định cụ thể các khu vực riêng biệt để sắp đặt đồ cho trẻ, cha mẹ cũng tránh được sự lộn xộn trong nhà, giúp ngôi nhà trông gọn gàng hơn.
Trẻ có khoảng thời gian chú ý khá ngắn, do đó, cha mẹ nên giới hạn số lượng đồ chơi mà trẻ có thể chơi trong một thời điểm. Sau khi trẻ chơi chán thứ này, bạn yêu cầu con cất đi mới chơi thứ khác. Mẹo này không chỉ giúp việc dọn dẹp sau khi chơi trở nên dễ dàng, đồng thời còn giúp trẻ sử dụng các món đồ chơi khác nhau vào những ngày khác nhau. Như vậy, chúng sẽ không rơi vào cảm thấy nhàm chán khi nhìn thấy những món đồ chơi giống nhau, lặp đi lặp lại mỗi ngày.
“Tốt nhất, bạn nên giao cho trẻ những việc mà chúng có khả năng chịu trách nhiệm. Bằng cách ủy thác những nhiệm vụ nhỏ, cha mẹ không chỉ có thời gian tập trung vào những việc lớn hơn khác, mà còn nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm ở con ngay từ rất sớm”, cô Hạnh nhấn mạnh.
Cho con quyền được tự chủ
Theo cô Hạnh, để rèn tính cách gọn gàng cho trẻ, đối với trẻ em, áp đặt là “hạ sách”. Thay vào đó, nên cho nhiều lựa chọn để con cảm thấy mình có quyền tự chủ bởi thật khó để kỷ luật trẻ em nếu chúng không đồng ý với mong muốn của bạn ngay từ đầu.
Trước tiên, người mẹ cần trao đổi với trẻ về những quy định. Chẳng hạn như được chơi đùa trong một phạm vi được cho phép. Nếu vượt qua ranh giới này sẽ bị phê bình, thưởng phạt rõ ràng. Tuy nhiên, đã là giao ước thì cần có sự thoả thuận của con chứ không phải là sự áp đặt đề ra rồi bắt con nhất nhất làm theo, không được nêu ý kiến. Đôi khi, cha mẹ hãy cứ lắng nghe ý kiến của con để thấy sự thú vị trong suy nghĩ của trẻ.
Để giúp con cảm thấy được tự chủ, bạn có thể dạy con vị trí và cách mặc đồng phục từ tối hôm trước để tránh vội vàng vào buổi sáng hôm sau. Nếu muốn con cất cặp sách, hãy hỏi trẻ muốn cất ở đâu, vị trí nào phù hợp và thuận tiện nhất cho việc sử dụng. Việc này cũng tương tự với các đồ dùng, trang phục trẻ thường xuyên sử dụng như bình nước cá nhân, mũ, hộp để đồ ăn nhẹ…
Thay vì đại ý bảo trẻ dọn phòng, bạn phân công rõ ràng nhiệm vụ nào mà con cần hoàn tất, nhiệm vụ phải rõ ràng, công việc phải phù hợp. Điều này sẽ giúp trẻ hoàn thành tốt việc nhà.
Đồng thời, hãy cho bé nhìn thấy bảng nội quy gia đình và yêu cầu bé phải chấp hành thật nghiêm những gì đã đề ra. Chúng hoàn toàn không phải là một lời nói suông. Và vì thế, mọi đồ đạc từ quần áo, vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, sách vở đến chăn, gối, ga… tất tần tật mọi thứ phải có chỗ của nó. Đó sẽ là một quy định được thực hiện cho đến khi thành thói quen và nếp sống nếu bé không muốn nhận những hình phạt từ bố mẹ.
Tuy vậy, cô Hạnh cũng cho rằng, không nên quá áp đặt hay cứng nhắc khi bắt buộc mọi thứ phải sạch bóng mà hãy tạo không gian riêng cho con. Tùy thuộc vào diện tích nhà, bạn nên dành không gian vừa đủ để trẻ có thể thoải mái bày trí các món đồ theo ý thích. Đó có thể là góc học tập rộng rãi hoặc đôi khi chỉ cần một chiếc bàn cạnh cửa sổ, trẻ có thể thỏa sức sáng tạo tại đó.
Cùng với việc để trẻ “toàn quyền” sử dụng không gian này, bạn cần dạy trẻ cách quản lý, giữ gìn đồ đạc để tạo ra tinh thần trách nhiệm. Điều này cũng giúp trẻ giảm bớt thời gian tìm kiếm đồ dùng khi cần dùng.