Cách hầm gà ngải cứu thơm ngon, không bị đắng
Để hầm gà ngải cứu thơm ngon, không bị đắng, bạn cần chú ý không chỉ nguyên liệu mà ở khâu thực hiện. Quá trình hầm gà không nên đảo gà nhiều lần. Ngải cứu cũng chín vừa phải, không nát. Nên chọn gà ta hoặc gà ác, gà ri để đảm bảo thịt dai giòn, quá trình hầm không bị nát.
Nguyên liệu (cho 4-5 người ăn)
Một con gà (khoảng 1 – 1,4kg tùy loại gà) cùng khoảng 1 lạng ngải cứu; một gói gia vị thuốc bắc hầm gà bán sẵn và 2 lạng hạt sen. Hoặc bạn có thể thay thế bằng các nguyên liệu mua lẻ gồm hạt sen, táo đỏ, đảng sâm, đương quy, kỷ tử… mỗi loại chừng nửa lạng.
Gia vị gồm một nhánh gừng, một nhánh nghệ nhỏ, hành tím, muối, hạt nêm, ít rượu trắng.
Sơ chế nguyên liệu
Gà ta mua về rửa sạch. Để khử mùi tanh, bạn nên dùng muối và gừng giã nhuyễn chà sát lên da gà, cũng có thể rửa với dấm, chanh. Sau đó rửa lại bằng nước sạch. Chặt gà thành miếng vừa ăn hoặc để nguyên con tuy sở thích của mỗi gia đình.
Ngải cứu nhặt sạch, rửa, ngâm nước muối trong khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo.
Hành tím bóc vỏ băm nhuyễn, gừng nghệ rửa sạch cạo vỏ, đập dập.
Sau khi sơ chế nguyên liệu, bạn bắt đầu ướp gà. Cho gừng đập dập, hành tím băm nhuyễn cùng nửa muỗng cà phê muối, một muỗng cà phê hạt nêm và gói gia vị thuốc bắc vào nồi để ướp thịt gà trong khoảng 30 phút.
Ngải cứu bạn nên trụng qua nước sôi trong 3-5 phút. Đây là bí quyết giúp ngải cứu không bị đắng và không dai.
Hầm gà ngải cứu
Nếu hầm nguyên con gà, bạn nên chia lá ngải cứu ra 2 phần: một phần nhồi vào bụng gà, phần còn lại lót dưới đáy ngồi và đặt gà lên trên khi hầm. Nếu dùng gà chặt miếng, bạn cũng lót lá ngải cứu phía dưới nồi và xếp gà lên trên. Nên sử dụng đủ lượng ngải cứu để không bị đắng.
Cho hạt sen và gừng nghệ băm nhỏ vào nồi và đổ nước xấp mặt gà rồi hầm với lửa vừa. Trong thời gian hầm, nếu thấy bọt nổi lên thì hớt bọt để. Chỉnh lửa nhỏ để nước gà không bị đục.
Thời gian hầm gà với nồi thường phải trên 1 tiếng đồng hồ để đảm bảo gà mềm. Nếu hầm bằng nồi cơm điện thì khoảng 40 – 45 phút còn hầm nồi áp suất khoảng trên 20 phút. Chú ý không hầm quá lâu sẽ gây đắng và gà không còn vị ngọt tự nhiên.
Trước khi tắt bếp, bạn cho vào nồi gà 1 muỗng cà phê rượu trắng trộn đều. Thành phẩm gà hầm ngải cứu với lá ngải cứu không bị nát, thịt gà có vị ngọt tự nhiên và đắng nhẹ của ngải cứu.
Múc gà hầm ngải cứu ra tô lớn ăn nóng. Có thể ăn cùng mì tôm hoặc cơm đều ngon.
Gà hầm ngải cứu là món ăn giúp tăng cường hệ miễn dịch, bổ máu, hỗ trợ tiêu hóa. Món ăn này đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai và bồi bổ cho người bệnh. Tuy nhiên, nhưng người mắc bệnh thận, viêm gan, người bị rối loạn chức năng đường ruột cấp tính, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần thận trọng khi ăn ngải cứu.