Gỏi sầu đâu khô cá sặc là món gỏi đặc trưng của người miền Tây. Sự kết hợp giữa vị đắng thanh của lá sầu đâu, vị chua ngọt của nước mắm me kết hợp cùng mùi thơm lừng của khô cá sặc tạo nên một món ăn tuy đơn giản nhưng không thực khách nào cưỡng lại được.
Nguyên liệu chính của món này chính là lá sầu đâu non và khô cá sặc. Ngoài ra còn có thêm các gia vị, tỏi, ớt, xoài xanh, thịt ba chỉ, thơm, mắm me…
Chuẩn bị: Ngâm khô cá sặc với nước muối loãng khoảng vài phút rồi vớt ra, để ráo nước. Tiếp theo, cho khô cá sặc nướng chín (hoặc chiên vàng), sau đó bỏ phần xương cá và xé nhỏ bằng tay (hoặc cắt bằng kéo).
Sầu đâu nhặt lá rồi rửa sạch, để ráo nước. Bạn có thể ngâm lá sầu đâu với nước đá để giảm vị đắng của lá và giữ cho lá được tươi. Tuy nhiên, với những người thích ăn đắng nhiều hơn có thể bỏ qua bước chần lá này.
Thịt ba rọi bạn rửa sạch, luộc chín rồi thái lát mỏng. Tùy vào khẩu vị của bạn, có thể thêm phần thịt này vào gỏi hoặc không.
Về phần rau quả, dưa leo và thơm bạn rửa sạch rồi thái lát mỏng còn xoài xanh bạn rửa sạch và thái thành sợi.
Tiếp theo, bạn rửa sạch ớt, rau ngò, băm nhỏ tỏi, ớt nguyên liệu.
Cách làm mắm me: Cho một ít me chín vào 1/2 bát nước ấm để me tan đều ra. Sau đó thêm ít đường, nước mắm, tỏi và ớt tươi băm nhỏ vào khuấy đều. Tùy vào lượng người ăn bạn điều chỉnh tỷ lệ các loại gia vị phù hợp.
Lấy một phần hỗn hợp này ra để làm nước trộn gỏi, phần còn lại đem đi đun sôi cho đến khi kẹo lại một chút. Khuấy đều tay trong khi đun nước chấm để đường tan hết và dậy mùi thơm.
Trộn gỏi: Sau khi hoàn tất các công đoạn, bạn cho cá sặc, lá sầu đâu, dưa leo, thơm, xoài, thịt ba rọi đã sơ chế xong cùng nước trộn gỏi vào một chiếc tô lớn và trộn đều.
Sau đó, cho gỏi ra đĩa, thêm rau răm và ngò gai lên trên và thưởng thức.
Cần lưu ý: Không nên cho quá nhiều nước mắm khi trộn gỏi vì như vậy sẽ làm rau dễ bị mềm nhanh không còn độ tươi ngon. Bạn có thể thay khô cá sặc bằng khô cá lóc, cá dứa, tùy sở thích.
Sầu đâu là cây thân gỗ, cao từ 10 đến 15 mét, lá cây màu xanh, mọc so le, hoa màu trắng, có mùi thơm. Cây sầu đâu hiện nay được trồng rất nhiều ở một số tỉnh miền Tây, đặc biệt là An Giang.
Cây sầu đâu chứa nhiều vị thuốc như giúp thông tiểu, thanh nhiệt, ngủ ngon, đau nhức khớp, cao huyết áp, kể cả bệnh da liễu.