Sự trưởng thành của một đứa trẻ không thể tách rời khỏi sự hướng dẫn tận tình của cha mẹ; sự thành công của một đứa trẻ không thể tách rời khỏi những lời răn dạy và việc làm của cha mẹ. Những bậc cha mẹ tuyệt vời đều biết rằng chăm sóc con cái không có nghĩa là phải lo toan và làm thay con mọi thứ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi dậy thì. Cha mẹ càng can thiệp thì con cái càng dễ nổi loạn.
Bà Lý là một giảng viên giáo dục gia đình ở Trung Quốc, đã dạy dỗ hai đứa con của chị rất tốt. Con trai cả được tiến cử vào trường trung học tốt nhất Thành Đô, một thành phố nằm ở phía tây nam, trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc.
Bên cạnh thành tích học tập xuất sắc, tính độc lập, tự giác cũng như khả năng và lòng dũng cảm nhận trách nhiệm khi phạm sai lầm của hai người con nhà bà Lý cũng rất được ngưỡng mộ. Bà tiết lộ, bí quyết để đạt được điều này là “Ít quan tâm”, đặc biệt ở 3 khía cạnh sau đây. Chính điều này giúp con bà ngày càng trưởng thành và biết tự suy nghĩ, quyết định những chuyện cá nhân.
Thứ nhất: Nếu đó là điều con trẻ có thể tự làm, cha mẹ hãy “lười” quan tâm
Bà Lý cho biết, từ khi học mẫu giáo, hai đứa con của bà đều tự xách cặp sách. Sau khi con 2 tuổi, bà cũng không đút ăn từng bữa nữa. Thay vào đó, bà sẽ đưa một chiếc thìa để con tự ăn. Sau 3 tuổi, trẻ được học cách tự thay quần áo, bà chỉ quan sát và hướng dẫn chứ không giúp đỡ.
Theo quan điểm của bà, việc để trẻ tự làm mọi việc không chỉ có thể rèn luyện tinh thần trách nhiệm mà còn rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập, giảm bớt sự phụ thuộc vào cha mẹ.
Ảnh minh họa: Internet
Từ khi các con có phòng riêng, bà Lý cũng yêu cầu con phải tự dọn dẹp phòng. Lúc đầu hai đứa trẻ không chịu, dù có dọn dẹp thì vẫn bừa bộn, nhưng bà không tỏ vẻ tức giận mà còn kiên nhẫn hướng dẫn con từng bước.
Có lần, con của bà không muốn dọn phòng nên giả vờ ngủ. Bà Lý bèn nói rằng cả nhà sẽ đi công viên giải trí lúc 2 giờ chiều. Khi nghe tin về sân chơi, hai đứa trẻ rất vui mừng.
Nhưng đến hơn 2 giờ chiều, bà vẫn không nói hay hành động gì. Hai đứa trẻ lo lắng chạy đến giục mẹ thì bà bình tĩnh nói: “Con không thấy nhà cửa vẫn chưa dọn dẹp sao? Nhìn đồ chơi, quần áo bẩn, sách vở đọc đều vương vãi trên sàn. Sau khi dọn xong, chúng ta mới ra ngoài được”.
Sau đó, bà bắt đầu dọn với tốc độ rất chậm rãi, rồi đột nhiên nói rằng buổi tối có bạn bè đến ăn tối, khoảng 5 giờ phải mua đồ về nấu ăn. “Nhưng vẫn chưa dọn dẹp xong, vậy làm sao bây giờ nhỉ? Hay chúng ta đi công viên giải trí vào ngày khác nhé?”
Bọn trẻ nghe vậy thì liên tục lắc đầu không chịu.
Lúc này, bà mới bảo: “Vậy chúng ta cùng nhau dọn dẹp cho nhanh nhé!” Hai đứa trẻ nhanh chóng giúp mẹ, rồi cả nhà vui vẻ đi đến công viên.
Thứ hai: Nếu đó là khi trẻ phạm lỗi, trẻ phải gánh chịu hậu quả, cha mẹ hãy “lười” bào chữa
Nếu trẻ lười dậy và đi học muộn, bà không thúc giục mà chỉ kiên nhẫn đợi con. Nhưng sau đó, bà sẽ không bào chữa bất cứ lời nào cho con mà để con tự mình chấp nhận hình phạt của giáo viên.
Ảnh minh họa: Internet
Tương tự, nếu trẻ không hoàn thành bài tập về nhà và bị giáo viên phê bình, bà cũng không giúp trẻ tìm lý do hay làm thay. Cách làm đúng đắn là cho trẻ nhận thức được lỗi lầm của mình, làm rõ lỗi và tránh lặp lại sai lầm lần sau.
Điều thứ ba: Chỉ hướng dẫn trẻ về việc lập kế hoạch học tập một cách khoa học, “lười” làm thay
Ở nhà bà Lý, việc đầu tiên hai đứa trẻ làm sau khi đi học về không phải làm bài tập về nhà mà sẽ nhảy dây, chơi cầu lông, bóng bàn… Chơi xong trẻ sẽ về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi 10 phút rồi bắt đầu làm bài tập. Trẻ cũng được áp dụng phương pháp học Pomodoro mà bà Lý hướng dẫn một cách hiệu quả và tập trung.
Phương pháp Pomodoro là một phương pháp quản lý thời gian được phát triển bởi Francesco Cirillo vào cuối những năm 1980. Nó sử dụng đồng hồ bấm giờ để chia thời lượng công việc thành các khoảng thời gian, thường là 25 phút để tập trung làm việc. Giữa mỗi khoảng tập trung sẽ là khoảng nghỉ ngơi ngắn, thường kéo dài trong 5 phút. Con số thời gian có thể tùy chỉnh dựa trên nhu cầu học tập và làm việc của mỗi người.
Ảnh minh họa: Internet
Cách thực hiện thường bao gồm các bước tuần tự như sau:
Bước 1: Sắp xếp các công việc mình sẽ làm một cách lần lượt.
Bước 2: Đặt thời gian tập trung để làm việc / học tập, thông thường là 25 phút.
Bước 3: Làm việc / học tập cho đến khi hết 25 phút
Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút (nên đứng dậy đi lại, uống nước, thư giãn mắt và đầu óc…)
Bước 5: Sau 4 lần nghỉ giải lao trên thì nghỉ dài hơn với 10 – 15 – 30 phút tùy công việc và sức của mỗi người).
Trên thực tế, trẻ em thường non nớt về mặt trí tuệ và khuyết thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên cần sự hướng dẫn, giúp đỡ của cha mẹ trong nhiều việc. Mặt khác, cha mẹ cũng phải là người giúp đỡ, hỗ trợ con trưởng thành để con có thể trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ giới hạn phạm vi giúp đỡ trong một giới hạn nhất định, không nên làm thay trẻ để khuyến khích trẻ phát triển khả năng tư duy và hành động độc lập là điều mà cha mẹ khôn ngoan sẽ làm.
*Nguồn: Aboluowang