Trong mắt con cái, cha mẹ là người thế nào? Nhiều khi không phải cha mẹ yêu thương con là con thấy cha mẹ mình là người như thế. Bởi trong đầu óc non nớt của chúng, yêu thương ở đâu khi suốt ngày trách mắng con? Đừng nói là sau này lớn, con sẽ hiểu rằng cha mẹ chỉ muốn tốt cho con. Bởi đứa trẻ không hiểu đâu, ít nhất là ở tuổi của chúng. Nhiều khi, tôi thực sự đau lòng với những cuộc hôn nhân vẽ lên trong mắt con cái sự lệch lạc về hôn nhân. Con trẻ luôn nhìn thấy cách cha mẹ chúng yêu thương nhau thế nào. Và tình yêu ấy, của cha dành cho mẹ, của mẹ dành cho cha, thực sự ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm, cách nghĩ, đánh giá và cả việc học theo của con.
Con cái không thể là “vũ khí”, cũng chẳng phải là “tài sản” của cha mẹ để mà “sử dụng thế nào là quyền của cha mẹ”. Con được sinh ra thì con phải được là con. Đừng dùng con làm “lợi thế” của mình. Bao nhiêu đứa trẻ lớn lên với những tổn thương không thể chữa lành vì cha mẹ coi chúng như vũ khí để hơn thua với nhau? Bao nhiêu đứa trẻ muốn bị tách làm đôi khi bố giằng, mẹ giật? Bao nhiêu đứa trẻ đến tận năm 30-40 tuổi vẫn nghĩ rằng “vì mình mà mẹ phải nuốt vào trong, chịu khổ bao năm qua”? Bao nhiêu đứa trẻ cũng đã kết thúc cuộc đời khi bị bắt “đi theo” mẹ, “đi theo” bố? Chúng là những đứa trẻ vô tội! Có những người mẹ nói yêu con mình nhưng gắn mọi bất hạnh với chồng vào con. Có những người cha nói yêu con mình nhưng tấn công mẹ của chúng, người vợ mà anh ta nhất quyết là “không đáng làm mẹ”.
Bạn có thể không hạnh phúc. Nhưng không phải vì bạn là cha, là mẹ mà được quyền bắt con mình cũng không được hạnh phúc như mình. Rồi mai này, chúng bất hạnh, chúng cũng có thể lôi cha mẹ ra để xả giống bạn chứ? Có những thứ gọi là “di truyền nỗi đau” như thế! Là bất hạnh hôm nay của bạn, nếu bạn kéo con bạn vào chịu chung, chúng sẽ tiếp nối bất hạnh kiểu của bạn.
Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình là vậy. Trong mắt con cái, chúng ta là ai quan trọng hơn trong mắt thiên hạ, chúng ta hoành tráng cỡ nào. Tất nhiên, nếu bạn yêu con đủ để mong con mai này có cuộc sống tốt đẹp hơn bạn.