Mới đây, trên trang cá nhân, Đoàn Văn Hậu và Doãn Hải My bất ngờ chia sẻ hình ảnh ngày cúng mụ cho con đầu lòng gây “sốt” bởi cặp đôi đã giấu kín hoàn toàn thời điểm dự sinh cũng như các thông tin liên quan trước truyền thông. Được biết, bé Rồng ra đời từ tháng 5 nhưng đến hiện tại, khi bé tròn 1 tháng tuổi gia đình mới quyết định công khai. Phía dưới phần bình luận, nhiều người hâm mộ và bạn bè trong giới gửi lời chúc mừng đến hai vợ chồng.
Bên cạnh đó, hình ảnh mâm cúng mụ thịnh soạn dành cho bé Lúa (tên ở nhà của con trai Văn Hậu) cũng nhận nhiều sự chú ý. Cụ thể, nàng WAG và chồng chọn làm mâm cúng theo tone xanh lá.
Nhóc tì ra đời vào năm nay nên mang mệnh Hỏa, cụ thể là Phú Đăng Hỏa. Có thể thấy, mẹ bỉm đã nghiên cứu rất kỹ về phong thủy trước khi chuẩn bị lễ bởi theo quy luật, màu xanh lá chính là màu tương sinh của mệnh Hỏa năm 2024.
Ngoài ra, màu sắc này còn mang năng lượng của sự tươi mới, đại diện cho hành Mộc, khơi nguồn của sự sống, mang phúc lộc, vượng khí đến với bé và cả gia đình. Mâm cúng cũng đảm bảo lễ nghi khi có đầy đủ các thành phần như xôi, chè, trầu cau,…
Các mẹ bỉm đã săn Rồng thành công có thể áp dụng ngay công thức của Doãn Hải My để chuẩn bị mâm cúng đầy tháng con mang lại thật nhiều may mắn nhé!
Cúng mụ là gì?
Cúng đầy tháng (hay cúng mụ) là một trong nhiều nghi lễ, tập tục gắn liền với cuộc đời mỗi người, bên cạnh đó còn thể hiện nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt. Lễ này thường được thực hiện khi bé vừa tròn 1 tháng tuổi với mục đích tạ ơn 12 bà Mụ, các Đức ông đã bảo vệ đứa trẻ, giúp cho “mẹ tròn con vuông”. Đặc biệt, đây còn được coi như là nghi lễ thông báo cho mọi người, gia tộc, tổ tiên về sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình và mong mọi người che chở cho đứa bé.
Cách tính ngày cúng mụ
Theo quan niệm của các cụ ta bao đời nay, cách tính đầy tháng cho bé thường tuân theo quy luật “gái lùi hai, trai lùi một” và phải tính dựa trên lịch âm.
Cần chuẩn bị những gì cho mâm cúng mụ?
Phần chuẩn bị cần đặc biệt lưu tâm. Người Việt thường cúng mụ theo 12 phần nhỏ dành cho 12 bà mụ và 1 phần lớn để cúng bà mụ chúa như sau:
– Trầu cau: 12 miếng trầu têm cánh phượng, cau bổ làm tư và 1 miếng trầu chưa têm, 1 quả cau nguyên.
– Động vật: bộ tam sên, cua ốc, tôm luộc hoặc sống. Nếu cúng sống thì phóng sinh sau khi cúng xong.
– Phẩm oản và bánh kẹo: 12 phần bằng nhau và một phần to hơn.
– Lễ mặn: gà luộc, cháo, xôi, rượu trắng và món ăn mặn.
– Hương hoa: nhang, hoa, tiền vàng, nước.
– Đồ chơi của bé: các bộ đồ chơi giống bát đũa, chén cốc, thìa, xe cộ,…
– Vàng mã: 12 đôi hài màu xanh, váy áo xanh và nén vàng xanh.
Tất cả lễ vật phải bày cân đối thành 2 mâm: mâm dưới là tôm, cua, ốc; mâm trên là lễ mặn cùng hoa và nước trắng.
Phần lễ cũng có thể thay đổi tùy từng địa phương.