Trước đây, nhiều người chồng quan niệm rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Việc của họ là kiếm tiền, còn việc của vợ là dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, con cái. Thế nhưng ngày nay, quan niệm này đã dần thay đổi, cả 2 vợ chồng đều đi làm, kiếm tiền, tham gia vào chuyện chăm sóc gia đình. Sự hỗ trợ nhau sẽ giúp cho cuộc sống thêm hạnh phúc, giảm áp lực hay gánh nặng lên vai người vợ hay người chồng.
Mới đây, chị Hồng Nghĩa (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ những bữa cơm cữ do chính tay ông xã nấu. Món nào cũng ngon, đẹp mắt, được bày biện vô cùng cẩn thận, nhìn thôi đã cảm thấy hạnh phúc lây rồi. Chị em nào cũng xuýt xoa vì sự chu đáo này.
Gia đình nhỏ của chị Nghĩa.
“Mình có 8 năm với hai lần cơm cữ, với mình đấy là hai kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Không chỉ là những bữa ăn mà là cả sự quan tâm, chăm sóc từ chồng và lần hai thì có thêm cô con gái tám tuổi của mình.
Câu hỏi quen thuộc mỗi sáng chồng mình hay hỏi: Hôm nay em muốn ăn món gì? Có muốn đổi món gì không để anh mua? Món gì biết làm thì chồng mình chế biến sẵn để trưa con gái ở nhà chỉ cần cắm cơm, luộc rau và hâm nóng lại là xong. Món gì không biết chế biến thì search google, search thấy khó quá thì sơ chế sạch sẽ để sẵn hộp sau đấy cất tủ, tới giờ cơm chị lại trông em cho mẹ nấu. Cũng thật may là hồi năm ngoái mình ở cữ là mùa hè, con gái nghỉ học phụ mẹ chăm em, chăm mẹ được rất nhiều việc.
Năm nay chắc sẽ có rất nhiều chị em dùng cơm cữ nên mình chia sẻ lại một số bữa cơm do chồng mình, do mình, do con gái mình từng nấu vào năm ngoái”, chị Nghĩa tâm sự.
Thực đơn chồng chị Nghĩa nấu lúc nào cũng đủ 3-4 món, có hoa quả ăn kèm. Các món có lượng vừa phải phù hợp với chế độ của mẹ bỉm. Do toàn là món yêu thích nên chị Nghĩa ăn uống rất ngon miệng, vui vẻ, luôn biết ơn vì nhận được sự chăm sóc chu đáo của chồng và con gái cả.
Sự khéo léo và quan tâm của ông xã chị Nghĩa khiến nhiều bà mẹ cảm thấy ngưỡng mộ, chúc phúc cho gia đình vì có người chồng biết quan tâm, săn sóc và yêu thương vợ hết lòng. Với những bà mẹ sau sinh, họ dễ bị trầm cảm, stress khi đối diện với cuộc sống và thiên chức mới, tuy nhiên nếu có sự đồng hành của gia đình, đặc biệt là chồng thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.
Tâm trạng của người phụ nữ sau sinh rất phức tạp, thường thay đổi bất thường vì nhiều lý do như phải đối mặt với cuộc sống hoàn toàn mới, học cách chăm con, đối diện với cơ thể xập xệ… Đôi khi họ tức giận vì một số điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
“Nếu như vì điều kiện không có các bà, các bác chăm sóc sau sinh thì rất mong các anh chồng hãy cố gắng quan tâm chăm sóc các chị em thật nhiều thời gian cữ này nhé, thời kì nhạy cảm để những nóc nhà được cảm động chứ không thể “cảm lạnh”.
Xin phép chúc riêng các chị em bầu có một thai kì khoẻ mạnh, chúc các chị em đang ở cữ luôn có tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan yêu đời bên các thiên thần đáng yêu và mạnh khoẻ.
Cơm cữ của mình là sẽ ăn món mình thích, không quá kiêng khem nhiều, ăn đủ chất, uống đủ nước và thay đổi các món đa dạng. Trộm vía 2 tháng đầu bé nhà mình ăn sữa mẹ hoàn toàn đều tăng 1,5kg/ tháng”, bà mẹ 2 con tâm sự.
Em bé 8 tuổi có một mùa hè “rực rỡ” đặc biệt nhất. Theo như lời em bé tả vậy: được đón em, được chăm mẹ, nấu cơm rửa bát, luộc rau và chăm em, hỏi có vui không thì bảo con rất vui nhưng mẹ chỉ được đẻ một mình em Tít thôi nhé, con thấy đưa mẹ đi đẻ mẹ đau con thương lắm.
Trong khoảng thời gian ở cữ, chồng là điểm tựa, chỗ dựa cực kỳ lớn của người vợ. Nếu không thành thạo việc bếp núc, chồng có thể giúp đỡ vợ ở những công việc khác trong gia đình như học cách chăm con, cho con ăn buổi tối, hỗ trợ vợ dọn dẹp nhà cửa…
Tình yêu của chồng dành cho vợ sẽ giúp cô ấy cảm thấy bản thân có bến đỗ an toàn và hậu phương vững chắc trong tất cả các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt trong giai đoạn này nếu được chồng yêu thương, chắc chắn người vợ sẽ rất hạnh phúc và trân trọng bạn.