CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) đã một lần gia hạn thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên đến ngày 30/6, cũng là thời hạn cuối cùng theo luật định, để có thời gian chuẩn bị tốt các nội dung báo cáo, các kế hoạch kinh doanh và công tác khác.
Tuy nhiên, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Quốc Cường Gia Lai đã bất thành do 44 cổ đông và người được ủy quyền tham dự chỉ chiếm 18,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định.
“Vì sức khỏe của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc công ty, không tốt và phải mổ vào ngày 28/6 nên không thể tham dự đại hội và bà Nguyễn Ngọc Huyền My, cổ đông lớn, cũng không thể tham dự”, bà Trương Thị Thêu, Trưởng Ban kiểm tra tư cách cổ đông thông báo hôm 30/6.
Ông Lại Thế Hà, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ “với trường hợp bất khả kháng này, mong cổ đông thông cảm cho ban lãnh đạo công ty. Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức sớm nhất có thể để đại hội lần sau thành công. Một số cổ đông không phải cổ đông lớn có những thắc mắc, ý kiến trực tiếp với tôi. Những vấn đề lần trước chưa giải quyết được thì chúng tôi sẽ có người liên lạc với cổ đông. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết ổn thỏa những trường hợp này để cổ đông vui vẻ”.
Luật Doanh nghiệp quy định trường hợp cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất (tức trước ngày 31/7), nếu Điều lệ công ty không quy định khác.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Đây là lần đầu tiên ĐHĐCĐ thường niên của QCG không đủ điều kiện tiến hành trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo quản trị được công bố ngày 30/1 cho biết, bà Nguyễn Thị Như Loan và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My là hai cổ đông lớn duy nhất của QCG với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 37% và 14,3%.
Ngoài ra, con rể bà Loan là ông Lầu Đức Huy sở hữu 3,8%, em gái bà Loan là bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt sở hữu 3,5%. Tổng số cổ phần gia đình bà Loan nắm giữ trên 59%.
Theo kế hoạch ban đầu, HĐQT dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 1.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất trong vòng ba năm và lợi nhuận cao nhất trong 5 năm qua. Trước đó trong năm 2023, công ty đạt 432 tỷ đồng doanh thu thuần và 5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Ba tháng đầu năm nay, QCG đạt gần 39 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,4 tỷ đồng lãi ròng (cùng kỳ đạt 166 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,1 tỷ đồng lãi ròng). Nguồn thu trong quý chủ yếu được đóng góp từ hoạt động bán điện với hơn 22,6 tỷ đồng.
Ban Giám đốc công ty lý giải thêm, doanh thu trong quý giảm do “thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện nên thủ tục triển khai các dự án đều không được giải quyết”.
Cơ sở cho kế hoạch kinh doanh tham vọng?
- TIN LIÊN QUAN
-
Dự án lấn sông Hàn của Quốc Cường Gia Lai được Đà Nẵng cho phép mở bán trở lại 17/09/2019 – 14:21
-
Đà Nẵng chỉ đạo tạm dừng Dự án bất động sản và bến du thuyền – Marina Complex lấn sông Hàn 20/04/2019 – 06:49
-
Bà Nguyễn Thị Như Loan: Dự án Marina Complex làm 3 năm qua không nói gì, giai đoạn cuối lại chỉ đạo dừng 07/05/2019 – 13:55
Theo tài liệu được công bố tại đại hội hôm 30/6, kế hoạch kinh doanh 2024 được HĐQT xây dựng trên cơ sở kỳ vọng dự án Marina Đà Nẵng sẽ hoàn tất điều chỉnh quy hoạch 1/500 và kịp bán hàng trong quý cuối năm.
Đồng thời, công ty sẽ đưa vào khai thác 6 tầng thương mại của dự án Giai Việt (quận 8, TP HCM) trong quý III; hoàn tất các thương vụ thoái vốn tại ba nhà máy thủy điện và Quốc Cường Liên Á với mục đích huy động khoảng 765 tỷ đồng để tái cơ cấu đầu tư.
Cụ thể, công ty đã công bố kế hoạch bán hai nhà máy thủy điện ở Gia Lai gồm Ia Grai 2 và Ayun Trung với tổng giá trị chuyển nhượng 615 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III/2024. Bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lao động của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án Ia Grai 2 và Ayun Trung đang được QCG thế chấp bảo đảm cho hai khoản vay dài hạn có tổng giá trị gần 300 tỷ đồng, lãi suất 8 – 8,4%/năm tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank, Mã: VCB) chi nhánh Gia Lai.
Trước đó, QCG từng muốn bán dự án thủy điện Ia Grai 1 cho CTCP Thủy điện Mặt Trời và nhận trước gần 48 tỷ đồng từ đối tác. Tuy nhiên, vào ngày 26/2 vừa qua, QCG đã ký Văn bản hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng mua bán tài sản này. Các hợp đồng đã ký sẽ hết hiệu lực và các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Còn thương vụ chuyển nhượng 31,39% vốn tại công ty liên kết CTCP Quốc Cường Liên Á (đơn vị vận hành dự án Sài Gòn Plaza Tower ở số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM), đã được hoàn tất, đóng góp vào lợi nhuận cho QCG ngay trong quý đầu năm. Báo cáo của QCG cho biết giá trị khoản đầu tư tại Quốc Cường Liên Á trên 135 tỷ đồng và giá chuyển nhượng được công bố khoảng 150 tỷ đồng.
Bỏ ngỏ thông tin liên quan đến dự án Phước Kiển
Hiện trạng dự án Phước Kiển. (Ảnh: Hải Quân).
Tài liệu đại hội, định hướng hoạt động kinh doanh 2024 không được ban điều hành đề cập đến dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM). BCTC của QCG trong 5 năm qua không thuyết minh cụ thể giá trị tồn kho của từng dự án. Lần gần vào năm 2018, BCTC hợp nhất được PwC kiểm toán ghi nhận giá trị dở dang của dự án Phước Kiển trên 5.075 tỷ đồng, chiếm 74% tổng tồn kho tại các dự án và tương đương 44,5% tổng giá trị tài sản.
- TIN LIÊN QUAN
-
Kê biên bất động sản của Quốc Cường Gia Lai để phục vụ điều tra giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan 06/05/2024 – 15:43
-
Quốc Cường Gia Lai gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 đến tháng 6 17/04/2024 – 11:52
Thông tin về dự án Phước Kiển liên tục được cổ đông chất vấn ban điều hành suốt nhiều năm qua bởi đây là dự án rất lớn đối với QCG, trong khi tiến độ kéo dài. Trong vụ án bà Trương Mỹ Lan giai đoạn 1, Hội đồng xét xử xét cần tiếp tục kê biên các giấy tờ liên quan đến dự án Phước Kiển, bao gồm 301 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 21 Hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất để phục vụ điều tra giai đoạn 2. Đồng thời, QCG phải hoàn trả lại lại toàn bộ số tiền hơn 2.880 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan.
Trước đó, QCG đã nhận trước hàng nghìn tỷ đồng này từ CTCP Đầu tư Sunny Island – đối tác đã ký hợp đồng hứa mua hứa bán dự án Phước Kiển với QCG trong giai đoạn công ty cần tiền để tất toán nợ dài hạn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, Mã: BID) chi nhánh Quang Trung và tạm ứng đền bù cho dự án Phước Kiển.
Phía QCG đã có đơn kháng cáo, không đồng ý việc hoàn trả lại 2.882 tỷ đồng và cho rằng công ty không biết nguồn gốc số tiền nhận từ đối tác Sunny Island có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Tính đến hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin mới từ các bên liên quan.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của công ty trên 9.516 tỷ đồng. Trong đó, gần 70% tổng giá trị tài sản là giá trị dở dang của các dự án Phước Kiển, Lavida, Central Premium, Marina Đà Nẵng… Tổng các khoản phải trả trên 4.000 tỷ đồng, bao gồm số tiền đã nhận từ Sunny Island.