Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 sáng 11/4 của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), giải đáp thắc mắc của cổ đông về vấn đề phân phối lợi nhuận, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT cho biết: “Cổ đông góp vốn cũng cần phải thu lợi nhuận. Trong một quá trình xuyên suốt, Hoà Phát là một trong số ít các công ty mà luôn cân đối hài hoà nguồn tiền. Mấy năm vừa qua, tập đoàn đầu tư rất nhiều, rất khó khăn.
Bản thân tôi là Chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất, xin chia sẻ đường lối tập đoàn không có gì thay đổi. Có thể từ 2025 sẽ chia cổ tức tiền mặt lại cho cổ đông, còn một phần để đầu tư”.
Tính tới nay, ông Trần Đình Long sở hữu 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ sở hữu 25,8%. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền nắm 400 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,88% vốn còn trai ông Long là Trần Vũ Minh sở hữu gần 134 triệu cổ phiếu, tương đương 2,3% vốn. Ngoài ra, 5 anh chị em của ông Long nắm tổng cộng gần 2 triệu cổ phiếu.
Công ty của con trai ông Long có 2,73 triệu cổ phiếu HPG, tỷ lệ 0,05%. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của đại gia đình ông Long tại Hoà Phát khoảng 35%.
Theo kế hoạch thì ba năm liên tiếp tập đoàn không chia cổ tức tiền mặt. Năm 2022, nhằm dồn lực cho dự án Dung Quất 2, tập đoàn đã không thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, với khoảng 6.800 tỷ lợi nhuận sau thuế, Hòa Phát dự kiến trích 340 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và 68 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ còn đến 6.392 tỷ đồng. Tức tập đoàn không có kế hoạch chi cổ tức tiền mặt.
Thay vào đó, tập đoàn đã được ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (thưởng cổ phiếu) với tỷ lệ 10%. Tập đoàn dự kiến sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng.
Năm 2024, vốn điều lệ cuối năm nay đạt 69.963 tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 10.000 tỷ. Lợi nhuận trên một cổ phiếu HPG khoảng 1.563 đồng/cp. Do đó, tập đoàn dự kiến mức chia cổ tức năm 2024 là 10%.
2025 cũng là thời điểm phân kỳ 1 của dự án Dung Quất đi vào hoạt động. Ông Long thông tin tới cổ đông dự kiến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất.
“Nhanh thì cuối năm nay Hoà Phát có thể sản xuất HRC, chậm thì quý I/2025. Ban đầu tập đoàn sẽ mất thời gian chạy thử. Năm 2025, ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.
Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn. Với giá bán hiện nay (600 USD/tấn) thì tập đoàn sẽ có thêm 70.000 tỷ cộng tới doanh thu hiện tại thì tổng doanh thu tập đoàn có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng”,
Cập nhật về tình hình kinh doanh quý I, ông Long cho biết, Hòa Phát đạt 2.869 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 7,4 lần cùng kỳ và tương đương 28,7% kế hoạch năm. Doanh thu quý đầu năm ước khoảng 31.000 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.
“Quý I/2024 có thể nói là tương đối tốt, tập đoàn làm được tốt hai việc. Thứ nhất là tăng sản lượng bán hàng so với cùng kỳ. Thứ hai là sử dụng hết nguyên nhiên liệu tồn kho giá cao, quý này có thể thiệt một chút nhưng sẽ tốt cho các quý sau. Chưa bao giờ tập đoàn kéo tồn kho xuống thấp như hiện nay”, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đánh giá.
Chốt phiên 11/4, cổ phiếu HPG dừng ở mốc 29.900 đồng/cp, tăng khoảng 87% trong vòng nửa năm qua. Vốn hoá thị trường khoảng 173.862 tỷ đồng và xếp thứ 7 trên sàn chứng khoán.
Chủ tịch HĐQT cập nhật tập đoàn có trên 170.000 cổ đông tính tới ngày chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ, số lượng cổ đông lớn nhất trên sàn chứng khoán.