Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được nhận định là “miếng bánh” ngon với nhiều doanh nghiệp. Điều này đã thu hút nhiều “đại gia” trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ gia nhập thị trường như CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã: FRT) và CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG).
Tuy dư địa tăng trưởng lớn, nhưng cuộc cạnh tranh giành giật thị phần vẫn rất khốc liệt và trong “chặng đua” về đích, Thế Giới Di Động đang có dấu hiệu chững lại.
Thế Giới Di Động mua lại cổ phần chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang vào năm 2017 và sau đó đổi tên thương hiệu thành An Khang. Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ này chỉ thăm dò thị trường dược phẩm trong thời gian đầu khi chỉ sở hữu 49% cổ phần chuỗi nhà thuốc thay vì nắm tỷ lệ chi phối tuyệt đối.
Đến cuối năm 2021, tập đoàn mới chính thức nâng tỷ lệ nắm giữ tại An Khang lên 100% và đặt ra những mục tiêu tăng tốc cho hệ thống này.
Thị trường bán lẻ thuốc tân dược được nhận định có nhiều dư địa tăng trưởng. Theo một nghiên cứu về chi tiêu tiêu dùng cho các sản phẩm y tế của Vietdata, số tiền chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2025, chi tiêu cho các sản phẩm y tế có thể đạt hơn 23 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam có hơn 60.000 nhà thuốc bán lẻ. Doanh thu của thị trường này đang tiệm cận con số 10 tỷ USD, dự kiến đến năm 2026 tổng doanh thu sẽ đạt 16 tỷ USD.
Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, với sự ảnh hưởng của làn sóng công nghệ số, các chuỗi nhà thuốc hiện đại đang phát triển nhanh chóng.
Số lượng ngày càng tăng của các cửa hàng và nền tảng bán lẻ dược phẩm trực tuyến đã cung cấp nhiều loại thuốc và việc giao thuốc đến tận tay người tiêu dùng đúng thời gian là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Tuy nhiên, các chuỗi nhà thuốc hiện đại này mới chỉ chiếm khoảng 15% thị trường ở thời điểm hiện tại. Do vậy, dự kiến con số này sẽ tăng lên đáng kể và các chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ là mục tiêu mà các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm hướng tới.
Tuy nhiên, cơ hội lớn sẽ tạo ra cạnh tranh nhiều. Thực tế, việc kinh doanh chuỗi nhà thuốc là không hề dễ dàng. Chuỗi An Khang của Thế Giới Di Động được dự báo đến 2025 cũng chưa thoát lỗ.
Cụ thể, mới đây Công ty Chứng khoán SSI dự báo chuỗi nhà thuốc An Khang tiếp tục lỗ lần lượt 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng năm 2024 – 2025. Trước đó, An Khang đã ghi nhận lỗ 306 tỷ đồng và 343 tỷ đồng trong các năm 2022 và 2023.
Theo SSI, các nhà thuốc thương mại hiện đại ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn để giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ và nhà thuốc bệnh viện, chiếm khoảng 85% tổng giá trị thị trường trong năm 2023.
Do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như đối thủ Long Châu nên An Khang sẽ khó giành được thị phần từ nhà thuốc bệnh viện.
Mặc dù vậy, An Khang vẫn có cơ hội giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ hơn này trong dài hạn nhờ yếu tố có hóa đơn điện tử, giúp bệnh nhân có thể làm đơn bồi thường từ bảo hiểm y tế tư nhân và thuốc có nguồn gốc rõ ràng. Đây là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.
SSI cho rằng trong ngắn hạn nhà thuốc An Khang vẫn cần tinh chỉnh lại danh mục sản phẩm. Không giống như sản phẩm điện thoại điện máy, cơ cấu sản phẩm thuốc đa dạng hơn. Do đó, việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm sẽ mất rất nhiều thời gian. Công ty chứng khoán này dự báo chuỗi nhà thuốc vẫn có thể chưa có lãi trong năm 2024 và 2025.
SSI ước tính chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 16% so với cùng kỳ) và 2.900 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), nhưng lỗ 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024 và 2025 (so với khoản lỗ 343 tỷ đồng trong năm 2023), tương ứng với biên lợi nhuận trước thuế giảm 16%, 13%, 8% trong các năm 2023, 2024, 2025.
Năm 2024, Thế Giới Di Động đưa ra kế hoạch phát triển cho từng chuỗi bán lẻ; trong đó, chuỗi Nhà thuốc An Khang đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần, và mang lại lợi nhuận từ năm nay. Chuỗi Nhà thuốc An Khang dự kiến đạt điểm hoàn vốn trước 31/12/2024.
Thực tế, chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động đã tăng trưởng doanh thu hai chữ số vào năm ngoái, nhưng vẫn chưa đạt điểm hoà vốn bởi tốn nhiều chi phí nâng cấp cửa hàng và thử nghiệm để tìm “công thức thành công”.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Nhà thuốc An Khang, Thành viên Hội đồng quản trị Đầu tư Thế giới Di động, từng chia sẻ vào hồi giữa năm 2022 rằng ước tính thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam có quy mô 7 – 8 tỷ USD và số lượng điểm bán khoảng 60.000. Kênh bệnh viện và nhà thuốc nhỏ có số lượng áp đảo, trong khi chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chiếm khoảng 5% nên dư địa phát triển còn rất lớn.
Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng mạng lưới An Khang không thuận lợi như dự tính. Theo báo cáo kinh doanh cuối năm 2023, chuỗi này hiện có 527 nhà thuốc, tăng 27 điểm bán với thời điểm đầu năm.
Dù vậy, đây chưa phải là con số cao nhất trong năm bởi có những tháng công ty ghi nhận mạng lưới lên đến 540 cửa hàng, nhưng sau đó phải tạm ngưng mở rộng và đóng cửa những nơi kinh doanh không hiệu quả để tập trung tăng doanh thu và cải thiện hiệu quả hoạt động trên mỗi cửa hàng nhằm đạt mục tiêu hoà vốn.
Vào năm 2023, ông Hiểu Em cho biết doanh thu tăng trưởng ổn định nhưng chuỗi này vẫn lỗ, do công ty không mở mới cửa hàng nhưng gần đây đã nâng cấp về danh mục sản phẩm, hình ảnh thương hiệu, đội ngũ dược sĩ, hàng tồn kho…
Việc nâng cấp cộng thêm thực hiện nhiều chương trình để thu hút khách hàng trở lại mua sắm làm tăng đáng kể chi phí hoạt động của chuỗi nhà thuốc An Khang.
Trong định hướng kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xác định mô hình kinh doanh của An Khang là chuỗi nhà thuốc ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn trong khoảng 30 – 40 m2, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng. Ước tính, thuốc sẽ chiếm khoảng 65 – 70% danh mục sản phẩm kinh doanh.
Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc này sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước cuối năm nay.
Công ty cho biết sẽ đầu tư theo chiều sâu để biến An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khoẻ, đa dạng hoá danh mục sản phẩm.
“Năm nay, An Khang có thể bước vào giai đoạn mở rộng nếu vận hành ổn định, có hiệu quả và xây dựng được mô hình kinh doanh thành công”, lãnh đạo công ty nói.
Đối thủ của An Khang, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới để củng cố vị thế là nhà bán lẻ thuốc lớn nhất Việt Nam trong khi các đối thủ khác đang thu hẹp quy mô hoạt động hoặc tạm ngừng mở rộng. Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2023, trong khi đại gia bán lẻ FPT Retail (Mã: FRT) đã mở mới 560 nhà thuốc để nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên con số 1.497, vượt qua Pharmacity để trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 cả nước.
Pharmacity từng là nhà bán lẻ thuốc lớn nhất tính đến giữa năm 2022 với hơn 1.100 cửa hàng, đã giảm mạnh chuỗi cửa hàng xuống dưới 1.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2023. Cùng đó, sự biến động về cổ đông lớn và nhân sự cấp cao vào hồi cuối năm 2022 cũng cho thấy tụt lại của Pharmacity trong cuộc đua mở rộng chuỗi nhà thuốc với Long Châu.
Tương tự, chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động cũng có dấu hiệu chững lại, hết năm 2023 chuỗi chỉ có 527 cửa hàng sau khi nhanh chóng mở rộng mạng lưới lên 500 cửa hàng vào năm 2022.
Như vậy, thay vì tiếp tục đẩy mạnh mở rộng quy mô để đạt mục tiêu 800 cửa hàng vào cuối năm 2022, Thế Giới Di Động đã chậm lại, trước khi đưa ra quyết định tạm ngừng mở mới vào năm 2023.