Báo cáo kết quả kinh doanh nộp lên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội của WinCommerce (đơn vị vận hành WinMart/WinMart+) ghi nhận khoản lỗ gần 600 tỷ đồng trong năm ngoái, trong khi năm 2022, công ty lãi gần 2.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm ngoái, vốn chủ sở hữu WinCommecer giảm hơn 12% so với đầu năm còn hơn 4.355 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2023 là 3,45 lần, tương ứng số nợ phải trả của chuỗi bán lẻ tại thời điểm đó khoảng hơn 15.000 tỷ đồng.
Lỗ sâu trong năm dẫn đến tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp từ gần 40% năm 2022 về âm gần 14% trong năm ngoái.
Công ty mẹ Masan Group nhận định 2023 là một năm đặc biệt khó khăn với ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam, khi nhu cầu thị trường sụt giảm trong giai đoạn đầu năm. Do đó, WinCommerce đưa ra chiến lược chuyển trọng tâm từ mở rộng mạng lưới thuần tuý sang cải tạo cửa hàng và nâng cao hiệu suất.
Trong suốt năm, công ty bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chỉ mở mới 312 cửa hàng tiện lợi, thấp hơn so với kế hoạch đưa ra từ đầu là 800 – 1.200 cửa hàng. Tại thời điểm cuối năm ngoái, WinCommerce đang sở hữu tổng cộng 3.633 điểm bán trên toàn quốc. Cả năm, đơn vị này ghi nhận mức tăng doanh thu 2% so với cùng kỳ, đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Nói về triển vọng trong tương lai, ban lãnh đạo Masan Group cho biết lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn và chi trả nhiều hơn cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong bán lẻ nhu yếu phẩm và là nguyên nhân chính khiến thị trường này bị phân mảnh. Ngay cả khi là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, WinCommerce chỉ chiếm gần 2% tổng thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, Masan Group tin rằng, một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt 50% và tầng lớp trung lưu (với mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD) thực sự xuất hiện.
Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong ngắn hạn và trung hạn so với mức khoảng 12% như hiện nay, tương tự như sự thay đổi xu hướng thị trường ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines và Indonesia.
“Với mô hình đại siêu thị, dù chính quyền đã rất nỗ lực, hạ tầng thương mại và giao thông vẫn đi chậm hơn sự phát triển của xã hội. Quỹ đất để phát triển mô hình đại siêu thị không còn nhiều, giá đất lại cao.
Trong khi chợ truyền thống gặp vấn đề cố hữu như vệ sinh an toàn thực phẩm, trải nghiệm của khách hàng. Hiện nay những kênh này đang thoái trào ở Việt Nam, còn trên thế giới đã thoái trào từ lâu”, bà Nguyễn Thị Phương – CEO WinCommerce, chia sẻ trong cuộc họp thường niên năm 2023.
Trước những dự báo kể trên, năm nay, WinCommerce lên kế hoạch đạt doanh thu thuần trong khoảng 32.500 tỷ đồng tới 34.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% – 13% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng được thúc đẩy bởi mở rộng mạng lưới và hiệu suất các cửa hàng mới.
Trong kịch bản doanh thu thuần đạt 32.500 tỷ đồng, lãnh đạo đơn vị bán lẻ dự kiến thị trường phục hồi với tốc độ chậm. Trong bối cảnh này, công ty ước mở thêm 400 cửa hàng tiện lợi mới.
Trong kịch bản tâm lý người tiêu dùng khởi sắc vào đầu năm 2024, WinCommerce muốn mở mới 700 cửa hàng.