Xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Instagram, công thức mua thực phẩm “6-5-4-3-2-1” nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đầu bếp người Mỹ Will Coleman, “cha đẻ” của công thức này, đã chia sẻ video hướng dẫn thu hút gần một triệu lượt xem. Vậy “6-5-4-3-2-1” là gì mà lại tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến vậy?
Theo Coleman, “6-5-4-3-2-1” là cách tiếp cận đơn giản nhưng đầy chiến lược, nhằm tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Cụ thể, bạn sẽ mua 6 loại rau củ, 5 loại trái cây, 4 loại protein (đạm động vật hoặc thực vật), 3 loại tinh bột (gạo hoặc ngũ cốc), hai loại sốt hoặc gia vị và 1 món ăn vặt yêu thích. Coleman cho biết phương pháp này tạo nên nền tảng vững chắc, giúp người mua sắm có kế hoạch rõ ràng, tránh chi tiêu không cần thiết và gia tăng niềm vui khi nấu nướng.
Cụ thể hơn bạn có thể lên kế hoạch mua sắm trước khi xách giỏ ra chợ hoặc siêu thị như sau:
– 6 loại rau củ: hãy chọn bất cứ 6 loại rau củ nào mà gia đình bạn yêu thích như rau cải, rau muống, xà lách, cà rốt, cà chua, dưa chuột…
– 5 loại trái cây: tương tự chọn 5 loại trái cây bạn thích như chuối, táo, cam, chanh, xoài…
– 4 loại protein: bao gồm cả thịt và đạm thực vật như: thịt lợn, thịt gà, trứng, đậu hũ…
– 3 loại tinh bột: gồm ngũ cốc, các loại lương thực hoặc bánh mì: gạo, nui – mì – miến – phở khô, bánh mì…
– 2 loại sốt hoặc gia vị: gồm cả loại mặn và ngọt như: tương cà – tương ớt, sốt ướp hoặc chấm…
– 1 món ăn vặt: đừng quên nuông chiều mình bằng một loại kem hay bánh kẹo yêu thích nhé!
Điểm cộng của “6-5-4-3-2-1” chính là tính linh hoạt, có thể điều chỉnh dựa trên nhu cầu của mỗi người. “Có những ngày bạn cần năm loại protein thay vì bốn, nhưng như vậy vẫn tốt hơn là mua 10 loại rồi bỏ phí. Công thức này giúp mọi người đi đúng hướng, tiết kiệm tiền và tìm thấy niềm vui khi nấu nướng”, Coleman chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những phản hồi tích cực, “6-5-4-3-2-1” cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Trên các diễn đàn, nhiều người dùng bày tỏ sự bối rối, không biết cách kết hợp các nguyên liệu ngẫu nhiên sau khi mua về. “Vậy là tôi lại phải vào bếp sau 24 tiếng ư?”, một người dùng bình luận trên bài đăng của @theskimm về công thức này.
Một số ý kiến khác cho rằng công thức này thiếu tính thực tế. “Mua từng đó nguyên liệu mà không có kế hoạch gì, rồi sau đó mới cố gắng kết hợp chúng thành một công thức, lỡ thiếu nguyên liệu thì sao?”, một người đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, nhiều người dùng bày tỏ lo ngại về việc áp dụng công thức này cho gia đình đông thành viên. “Hoặc là bạn có con cái, và danh sách mua sắm của bạn sẽ trông như thế này: 6 món ăn vặt cho trẻ em, 5 bữa tối mà chúng chỉ ăn đi ăn lại 2 món, 4 món ăn vặt khác, 3 món cơ bản như sữa và trứng, 2 món gì đó nhanh gọn cho bản thân, và 1 món mà tôi chắc chắn là mình đã quên mua cho lũ trẻ”, một phụ huynh hài hước bình luận.
Mặc dù gây ra nhiều tranh cãi, phương pháp “6-5-4-3-2-1” vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người đã áp dụng thành công. Một người dùng chia sẻ: “Cảm ơn vì công thức tuyệt vời này! Gia đình bốn người chúng tôi đã có một năm 2024 khởi đầu thuận lợi! Tôi đã tiết kiệm được 30% số tiền cho một lần đi chợ!”. Một người dùng khác chia sẻ: “Tôi rất vui vì đã biết đến công thức này. Nó đã thay đổi thói quen mua sắm của tôi. Trước đây, tôi thường chi tiêu quá mức mà không biết mình đã mua gì”.
Công thức mua sắm “6-5-4-3-2-1” có thể là giải pháp hữu ích cho những người muốn kiểm soát ngân sách và giảm thiểu lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, tính hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào nhu cầu và thói quen của mỗi người.
Theo Yahoo Lifestyle