Trả lời:
Làn da được chia thành 6 loại, gồm: da trắng ngà, trắng hoặc nhợt nhạt, trắng đến màu be, màu nâu nhạt hoặc ô liu, nâu sẫm hoặc đen… Trong đó, ba loại đầu tiên có nguy cơ bị cháy nắng cao nhất. Loại 4 đến 6 nguy cơ thấp hơn nhưng vẫn có thể bị cháy nắng.
Đối với người có làn da sáng hơn, vùng da bị cháy nắng thường có màu đỏ, gây nóng rát, đau hoặc cả hai. Vùng da bị bỏng cũng cảm thấy căng tức, khó chịu. Những người có làn da sẫm màu ít bị cháy hơn do da chứa nhiều melanin, được sản xuất bởi các tế bào da gọi là tế bào hắc tố, giúp ngăn chặn tác hại của tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, mọi người không nên lầm tưởng làn da sẫm màu thì không cần bảo vệ da. Bất kể làn da nào khi tiếp xúc lâu dài dưới ánh nắng đều bị tổn thương, thậm chí ung thư da.
Do đó, bạn cần chăm sóc da thường xuyên, bất kể làn da màu gì. Các biện pháp bảo vệ như thoa kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30 để được bảo vệ tốt nhất. Nên thoa kem 30 phút trước khi bước ra ngoài. Nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ. Nếu bạn đã bơi lội hoặc đổ mồ hôi, bạn sẽ cần phải bôi lại trước thời điểm này.
Hạn chế ra đường vào giờ cao điểm. Sử dụng thêm phụ kiện chống nắng như mũ rộng vành và kính râm, áo chống nắng.
Bác sĩ Trần Hạnh Vy
Khoa Da Liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM