Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) vừa thông báo 16/7 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền mua cổ phiếu từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông hiện hữu.
Công ty dự kiến chào bán hơn 80 triệu cổ phiếu mới theo tỷ lệ 3:1 (cổ đông cứ sở hữu 3 cổ phiếu có quyền mua thêm 1 cổ phiếu). Vốn điều lệ công ty dự kiến tăng từ 2.420 tỷ lên tối đa 3.227 tỷ đồng nếu phát hành toàn bộ.
Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền từ 24/7 đến 15/8, thời gian chuyển nhượng quyền mua một lần trong khoảng 24/7 đến 8/8. Cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu là loại không bị hạn chế chuyển nhượng.
Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng một nửa thị giá DBC trên sàn (chốt phiên 4/7 ở mức 34.100 đồng). Tổng số tiền dự kiến thu về khoảng 1.210 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco để xây dựng dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành.
Tổng giá trị đầu tư cho dự án trên là 1.330 tỷ đồng; bao gồm chi 795 tỷ đồng để đầu tư, thanh toán tiền mua thiết bị và tài sản cố định cho dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành và còn lại 535 tỷ đồng dùng làm vốn lưu động để vận hành nhà máy này.
Do vậy, Dabaco còn có kế hoạch phát hành 12 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động thêm khoảng 120 tỷ đồng bổ sung vốn cho dự án trên. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm.
Theo danh sách cổ đông tính đến 27/6, nhà sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So vẫn là nhà đầu tư lớn nhất nắm giữ đến 24,16% vốn công ty, ngoài ra còn có cổ đông lớn PYN Elite Fund với tỷ lệ sở hữu 8,15% cổ phần.
Theo bản cáo bạch, nhà máy ép dầu giai đoạn 2 sẽ có tổng công suất 1.000 tấn đậu tương/ngày với mức đầu tư 1.490 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2025. Công ty còn có kế hoạch đầu tư dự án chăn nuôi heo tại tỉnh Thanh Hóa với giá trị vốn 933 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, Dabaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2024 đạt 72,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng 320,7 tỷ đồng.
Công ty cho biết trong quý đầu năm, tình hình giá một số mặt hàng nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm theo đó giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm. Mặt khác, người chăn nuôi trong nước có nhu cầu tái đàn nên sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ tăng, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ quý I tăng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá lợn trong quý I cũng tăng dần trở lại do nguồn cung giảm vì dịch bệnh dẫn tới kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty chăn nuôi trong tập đoàn có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước.