Theo các chuyên gia, ngay từ nhỏ, trẻ cần được dạy về kỹ năng gọn gàng, ngăn nắp. Bởi, kỹ năng này sẽ rất hữu ích cho cuộc sống, Kỹ năng này sẽ rất hữu ích cho cuộc sống, tạo tiền đề cho thành công của trẻ ở tương lai.
Dạy trẻ cách sống gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình. Khi biết cách sắp xếp đồ dùng một cách gọn gàng ngăn nắp, trẻ sẽ biết cách để bảo quản các đồ vật.
Kỹ năng chưa thực sự được chú trọng
Tính kỷ luật, ngăn nắp gọn gàng sẽ giúp trẻ biết cách sắp xếp công việc và bố trí các hoạt động trong cuộc sống một cách hợp lý và khoa học hơn, tạo tiền đề cho trẻ thành công hơn sau này. Song, không ít phụ huynh bỏ qua những lợi ích này.
Đã bao giờ các mẹ tự hỏi rằng, liệu mình phải chạy theo nhặt nhạnh rồi sắp xếp đồ chơi, quần áo, cả sách vở của con cho đến bao giờ không? Nếu có, chắc hẳn, các phụ huynh cần nhìn lại phương pháp dạy con của mình. Bởi, điều đó có nghĩa là trẻ đang sống quá tự do và cha mẹ chưa thiết lập được tính kỷ luật, ngăn nắp cho trẻ.
Khi trẻ ngăn nắp, gọn gàng, cha mẹ sẽ không còn phải vất vả dọn dẹp cho bé. Kỹ năng này còn có ích trong tương lai, giúp trẻ biết cách sắp xếp công việc và bố trí các hoạt động trong cuộc sống một cách hợp lý và khoa học hơn. Sống gọn gàng ngăn nắp là một kỹ năng cần được hình thành sớm, để trẻ có thể thích ứng ngay từ lúc còn nhỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, dưới 3 tuổi là khoảng thời gian trẻ bắt đầu nhận thức, quan sát và để ý các hoạt động diễn ra xung quanh. Vì vậy, cha mẹ cần có những giải pháp riêng để rèn luyện cho con, không chỉ ở hành động, mà còn cả tư duy và nhận thức. Từ đó, để con thấy sự khác biệt giữa hậu quả của sự bừa bộn và lợi ích của việc gọn gàng.
Chị Nguyễn Thị Thu – tác giả cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” chia sẻ, rất nhiều người lớn ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc sắp xếp đồ đạc trong gia đình, giữ cho nơi làm việc gọn gàng và ngăn nắp. Bởi, đa số chúng ta lớn lên mà không được chú trọng rèn luyện kỹ năng này.
Trong độ tuổi tiểu học, việc giúp trẻ hình thành thói quen ngăn nắp, có kỹ năng sắp xếp đồ đạc hợp lý là một điều rất quan trọng. Đó là những bước đầu tiên giúp trẻ biết “quản trị” chính cuộc sống của mình sau này. Hơn nữa, chính thói quen gọn gàng và ngăn nắp sẽ là nền tảng để giúp trẻ có tinh thần học tập tốt.
“Khi nhắm mắt cũng biết đồ mình cần tìm để ở đâu, không cần nghĩ cũng biết sách vở phải để chỗ nào, quần áo sáng nay mặc đã được chuẩn bị từ tối hôm trước… thì bạn sẽ không mất thời gian, trí nhớ, suy nghĩ để phải đi tìm kiếm nó. Điều đó sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều năng lượng và ý chí để làm những việc khác. Thói quen ấy giúp bạn có khả năng tập trung và động lực để làm việc một cách kiên trì và thông minh hơn”, chị Thu chia sẻ.
Theo tác giả này, một học sinh có thói quen gọn gàng ngăn nắp sẽ cần hội tụ một số năng lực. Trong đó, bao gồm năng lực quý trọng đồ đạc. Bởi, nếu không quý trọng, ta sẽ không nâng niu, gìn giữ.
Trẻ cũng cần năng lực phân loại, sắp xếp hợp lí. Từ đó, giúp phân loại các đồ dùng và sắp xếp vào đúng vị trí. Năng lực đưa ra lựa chọn cũng đóng vai trò quan trọng. Trẻ sẽ biết lựa chọn xem mình dọn dẹp vào lúc nào, chọn những đồ nào để lại, đồ nào cần loại bỏ, chọn vị trí đặt đồ này ở đâu. Cuối cùng là năng lực duy trì. Cần phải duy trì đều đặn mục tiêu đã đề ra để biến mục tiêu trở thành thói quen.
Một yếu tố khác là phụ huynh cần tự hỏi liệu mình đã làm gương tốt ở việc duy trì sự gọn gàng ngăn nắp chưa. Bởi, bố mẹ không làm mà chỉ nói thì con sẽ mãi không ghi nhớ được. Với những trẻ mải chơi hay quên, thì việc bố mẹ sát sao cùng con trong việc thực hiện từng mục tiêu là điều rất cần thiết. Điều quan trọng nhất chắc chắn là sự làm gương đến từ cha mẹ.
“Để có nếp học tốt thì đầu tiên phải giữ bàn học gọn gàng ngăn nắp. Học xong phải dọn lại bàn học. Đó là nguyên tắc mình luôn ghi nhớ và cố gắng nhắc nhở bản thân hằng ngày. Thế nên, muốn con gọn gàng ngăn nắp, chắc chắn phải thay đổi từ chính cha mẹ”, chị Thu cho biết.
Để trả lời cho câu hỏi: “Gọn gàng ngăn nắp có liên quan đến thành tích học tập không?”, nữ tác giả cho rằng, đáp án chắc chắn là có.
Điều đó ảnh hưởng không chỉ về học tập, mà còn cả hạnh phúc sau này nữa. Trẻ đúng là sẽ chưa tạo được thói quen ngay sau 1 thời gian dạy. Tuy nhiên, qua từng năm bố mẹ làm gương thì nhất định trẻ sẽ được ảnh hưởng tốt để dần thay đổi.
Chị Thu chia sẻ, gọn gàng ngăn nắp còn là điểm chung trong quan điểm sống của hai vợ chồng chị, để từ đó cuộc sống gia đình hòa hợp hơn.
Giáo dục dựa theo độ tuổi
Trong khi đó, giáo viên Hoàng Thị Bích Phương – Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara cho rằng, dạy trẻ sống gọn gàng, ngăn nắp là một cách giúp con rèn luyện khả năng tự lập. Bố mẹ hãy dạy con từ những việc đơn giản nhất trong gia đình như: Quét nhà, gấp quần áo hay giúp bố mẹ rửa bát… Khi trẻ được dạy và rèn luyện về cách làm các công việc đó thì bố mẹ sẽ không cần lo lắng đến việc con không tự lập khi không có phụ huynh ở bên.
Dạy trẻ cách sống gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình. Khi biết cách sắp xếp đồ dùng một cách gọn gàng ngăn nắp, trẻ sẽ biết cách để bảo quản các đồ vật. Việc rèn luyện cách sống gọn gàng, ngăn nắp giúp trẻ có trách nhiệm hơn đối với gia đình. Đồng thời, rèn luyện tính chủ động để giúp đỡ gia đình trong các công việc nhà.
Cách sống gọn gàng, ngăn nắp cũng sẽ giúp bé rèn luyện khả năng tư duy logic. Không phải chỉ riêng các hoạt động tư duy như tính toán hay học văn hóa mới giúp con rèn luyện khả năng tư duy logic. Ngay trong những hoạt động đơn giản thường ngày cũng giúp trẻ tập trung và tư duy logic hơn. Điều đó thể hiện ở chỗ: Con biết cách tư duy để sắp xếp đồ vật, suy nghĩ logic trong từng hoạt động theo thứ tự…
Ngoài ra, học sống gọn gàng, ngăn nắp cũng là một cách giúp trẻ rời xa các thiết bị điện tử và sẵn sàng chủ động tham gia trong các hoạt động.
“Khi dạy trẻ, đặc biệt là các trẻ ở lứa tuổi mầm non thì việc học tập thông qua bắt chước, qua hình ảnh là cách nhanh nhất giúp bé có thể tiếp thu. Vì vậy, khi dạy trẻ cách sống gọn gàng, ngăn nắp thì bố mẹ cần phải làm theo những điều kỳ vọng vào con, giúp trẻ học tập, tiếp thu một cách nhanh nhất”, nữ giáo viên cho biết.
Đối với trẻ mầm non, bố mẹ cần rèn luyện cho con tham gia vào các hoạt động nhỏ nhất như: Tự thu dọn đồ chơi, đồ đạc của mình, giúp đỡ phụ huynh quét nhà… Đây là thời gian thích hợp để giúp con hình thành cách sống gọn gàng và ngăn nắp.
Đối với trẻ lớn hơn (từ 5, 6 tuổi trở lên), bé đã có nhận thức trong những việc mình cần làm để giúp mọi thứ gọn gàng hơn. Vì vậy, bố mẹ hãy đưa ra yêu cầu và thời gian con cần hoàn thành.
Ví dụ, sau khi chơi, trẻ có 10 – 30 giây để thu dọn hết đồ chơi. Việc đưa ra yêu cầu cho trẻ sẽ giúp bé rèn luyện tính kỷ luật, trách nhiệm. Sau mỗi lần con hoàn thành mọi việc đúng thời gian, bố mẹ hãy dành cho con những lời khen hoặc một phần thưởng nhỏ.
Nếu trẻ có tính ỷ lại, đợi bị nhắc nhở rồi mới làm thì bố mẹ cần tâm sự và làm rõ cho con hiểu được: “Tại sao con phải làm việc đó” và “Đó là việc con cần làm chứ không phải là việc con cần giúp đỡ bố/mẹ”.
“Việc dạy trẻ sắp xếp đồ đạc là một cách giúp các con chủ động hơn trong thực hiện các công việc. Ban đầu, trẻ sẽ không biết cách sắp xếp đồ dùng sao cho gọn gàng, hợp lý. Vì vậy, cần bố mẹ dạy con những thứ cần thiết nhất. Ví dụ: Đồ vật nào nên cất ở các vị trí thấp, nằm trong tầm với. Đồ vật không an toàn thì cần cất ở vị trí nào… Điều này sẽ giúp trẻ rèn luyện được khả năng tư duy logic”, nữ giáo viên chia sẻ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần dạy con cách làm thế nào để đồ vật được gấp một cách gọn gàng nhất. Phụ huynh có thể hướng dẫn con rằng, gấp các loại quần áo có những bước nào, làm thế nào để gấp được chăn màn gọn gàng… Trong quá trình dạy, bố mẹ có thể làm việc này cùng con như một hoạt động vui chơi. Tuy nhiên, bố mẹ cần sử dụng ngữ điệu, giọng nói hay hành động nghiêm túc để con biết những điều nào là điều quan trọng.
Nếu trẻ không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, bố mẹ cần nghiêm khắc yêu cầu con làm lại để dần dần con tạo thành thói quen. Khi con đã hiểu được gọn gàng là kỹ năng sống cần thiết thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, cha mẹ cần kiên trì thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất.