Theo nghiên cứu, hàng ghế sau là nơi an toàn nhất cho trẻ em khi ngồi trong ô tô. Ở đây, nguy cơ thương tích của trẻ giảm tới 26% so với ngồi ở hàng ghế trước nếu gặp tai nạn.
Vị trí an toàn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nhóm trẻ từ 5 – 9 tuổi tại Việt Nam. Trong đó, số lượng trẻ tử vong do tai nạn ô tô ngày càng tăng qua các năm.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của các bé trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…
Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Đại học Y tế Công cộng) đã công bố một nghiên cứu liên quan đến vị trí an toàn của trẻ em trên ô tô.
Dựa trên khảo sát 14.924 xe con cá nhân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM từ tháng 1 – 2/2022, nhóm nghiên cứu đã thống kê được 7,4% số xe này có chở theo trẻ em dưới 10 tuổi. Các vị trí ngồi của trẻ trên xe cũng rất khác nhau. Trong đó, 0,7% số xe có trẻ em để các bé ngồi ghế trước, cùng với người lái xe; 19,2% ngồi ghế phụ trước cùng người lớn; 22,8% ngồi ghế phụ trước một mình. 37,0% ngồi ghế sau cùng người lớn; 19,0% ngồi ghế sau một mình và chỉ 1,3% trẻ em ngồi trong ghế chuyên dụng.
Trong gần 15 nghìn xe đã khảo sát, chỉ có 19 trường hợp trẻ em ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng. Số xe này đều ở Hà Nội và TPHCM. Qua phỏng vấn cho thấy, số chủ xe này chủ yếu là những người từng công tác, học tập và làm việc tại nước ngoài – nơi có những quy định bắt buộc trẻ em nhỏ phải ngồi trong những thiết bị an toàn dành riêng.
Bình luận về con số trên, TS Evelyn Murphy đến từ WHO cho rằng, tỷ lệ hơn 42% trẻ em Việt Nam khi đi ô tô ngồi ở hàng ghế trước là con số rất cao. Bởi ở hàng ghế sau, nguy cơ thương tích của trẻ giảm tới 26% so với ngồi ở hàng ghế trước khi gặp tai nạn dù chưa sử dụng các thiết bị an toàn như ghế chuyên dụng cho các bé.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, trẻ em dưới 12 tuổi có cấu tạo cơ thể khác xa người lớn. Trong khi đó, dây an toàn của ô tô lại chỉ thiết kế cho người trưởng thành. Do vậy, trẻ em cần có những thiết bị an toàn như ghế chuyên dụng, được thiết kế để giữ cố định bé ở tư thế ngồi hay nằm quay mặt lên trên. Trẻ em có phần đầu chiếm tỷ trọng lớn nên dễ bị chấn thương nặng khi gặp va chạm hoặc thậm chí phanh gấp. Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và lắp đặt đúng cách có thể giảm ít nhất 60% số trường hợp tử vong ở trẻ em.
Theo các chuyên gia, cần phải có những quy định rất rõ ràng liên quan đến việc trẻ em ngồi trên ô tô. Bởi, đây là nhóm rất dễ tổn thương, cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.
Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, có khoảng 1.800 – 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm. Trong đó, có khoảng 600 – 700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em tại Việt Nam từ 5 – 14 tuổi: 1,9/100.000 trẻ; từ 0 – 4 tuổi: 1,4/100.000 trẻ.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm luật hóa với những quy định thiết thực về thiết bị an toàn, vị trí an toàn cho trẻ em. Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hóa và áp dụng hiệu quả trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, thì có thể làm giảm tới 400 – 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt mạng trên ô tô mỗi năm tại Việt Nam.
Ở nước ta, trẻ em đi ô tô thường không được ngồi ghế riêng, cũng không thắt dây an toàn. Thậm chí, trẻ có thể tự do đứng lên, nhoài người từ hàng ghế sau lên phía trước, với bên này, nghiêng bên kia. Nếu xe có cửa sổ trời, một số phụ huynh còn cho con em mình thò đầu qua cửa sổ, bất chấp những nguy hiểm tiềm tàng.
Khi ô tô chạy, dù chỉ ở tốc độ chậm cũng đủ dẫn tới những hậu quả khó lường nếu có điều gì xảy ra. Vì thế, để tránh những sơ suất có thể phải trả giá đắt, người lớn được khuyến cáo lưu ý tới những nguyên tắc an toàn mỗi khi chở trẻ nhỏ trên xe. Trong đó, có ba chốt an toàn cần khóa: Chốt cửa, chốt kính và khóa trẻ em.
Tính tò mò của trẻ khiến các bé có thể thử mở bất cứ thứ gì trong tầm tay, tầm mắt. Đơn giản là trẻ có thể hạ kính, thò đầu hay thò tay ra ngoài, thậm chí nhoài người ra ngoài và có thể ngã ra đường.
Dư luận Trung Quốc từng bàng hoàng khi một bé gái khoảng 4 – 5 tuổi thò người ra ngoài cửa sổ của ô tô dừng đèn đỏ và ngã xuống đường. Song, tài xế không hề hay biết và vẫn lái xe đi. Bé gái may mắn được những người qua đường hỗ trợ và chỉ bị vài vết trầy xước.
Thực trạng “nhức nhối”
Bên cạnh vị trí ngồi trên ô tô, tình trạng trẻ bị bỏ quên trên xe cũng là vấn đề “nóng”. Chiều tối 29/5 tại Thái Bình, cháu bé T.G.H (sinh năm 2019, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư) bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường từ sáng và chỉ được phát hiện khi gia đình đến trường đón con. Cô giáo ngỡ ngàng cho biết trẻ không tới trường trong khi gia đình khẳng định bé có lên xe đi học.
Tại thời điểm phát hiện cháu bé, mọi người đã đập cửa xe ô tô, đưa trẻ đi viện cấp cứu lúc hơn 18 giờ cùng ngày nhưng bé đã không qua khỏi.
Đây không phải là trường hợp trẻ đầu tiên bị bỏ quên trên ô tô. 5 năm trước, dư luận nước ta cũng bàng hoàng khi một bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe của Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội).
Cụ thể, sáng 6/8/2019, gia đình đã đưa bé L.H.L ra ô tô đưa đón học sinh để đến trường. Đến 16 giờ 45 phút, gia đình nhận được cuộc gọi của cô giáo phụ trách đón cháu bé thông báo con trẻ đã tử vong. Nguyên nhân, cháu L ngủ quên trên xe và không được phát hiện nên đã bị nhốt trong xe suốt cả ngày, dẫn đến việc cháu bị tử vong do suy hô hấp tuần hoàn trong không gian giới hạn.
Tháng 9/2019, một bé trai 3 tuổi ở xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) được phát hiện bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của cơ sở mầm non tư thục Đồ-Rê-Mí ở thôn Đoài, xã Hoàn Sơn (huyện Tiên Du). Sau khi rời xe, tài xế có mở hé cửa kính ghế lái. Trẻ ngất xỉu, được phát hiện sau nhiều giờ bị bỏ quên trên xe và được đưa đi cấp cứu và may mắn thoát nạn…
Tháng 6/2023, trong chuyến dã ngoại tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) một học sinh Trường Tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón. Trẻ được phát hiện trong thời gian ngắn chừng 10 phút.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), trẻ em với diện tích da ít, nên lượng mồ hôi thoát ra để làm mát cơ thể sẽ không nhiều như người lớn. Vì thế, khi bị bỏ quên trong một chiếc ô tô, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng nhanh hơn từ 3 – 5 lần so với người lớn.
Khi nhiệt độ cơ thể lên đến 40 độ C thì các cơ quan bắt đầu rối loạn, trên 41 độ C bắt đầu say nóng và đe dọa tính mạng, cao hơn 42 độ C sẽ sốc nhiệt và tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ Phúc dẫn chứng, một nghiên cứu của Đại học California được công bố trên Tạp chí Nhiệt độ Mỹ ngày 24/5/2018 đã thực nghiệm 6 chiếc ô tô trong điều kiện thời tiết 35 độ C, tương đương nền nhiệt độ ngày 6/8 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nơi cháu bé tử vong.
Theo đó, nếu ô tô đỗ ngoài trời nắng, thì sau 1 giờ, nhiệt độ không khí trong xe lên tới 47 độ C, bảng điều khiển 69 độ C, tay lái 53 độ C, ghế ngồi 51 độ C. Nếu ô tô đỗ trong bóng râm, sau 1 giờ, nhiệt độ không khí trong xe là 38 độ C, bảng điều khiển 48 độ C, ghế ngồi 41 độ C. Khi mô phỏng đứa trẻ 2 tuổi, thì sau 2 giờ sẽ bị sốc nhiệt.
Ngay cả khi trời lạnh thì trẻ bị bỏ trên ô tô cũng sẽ nguy hiểm. Bác sĩ dẫn chứng, nghiên cứu của Đại học bang San Francisco (Mỹ) cho thấy, một chiếc xe hơi đóng cửa trong thời tiết lạnh 21 độ C, nhiệt độ trong xe tăng lên khá nhanh, ngay cả khi đã kéo hé một chút cửa kính thì nhiệt độ cũng thay đổi không đáng kể. Cụ thể, sau 10 phút, nhiệt độ tăng lên 32 độ C. Sau 20 phút tăng lên 37 độ C. Sau 30 phút tăng lên 40 độ C. Sau 60 phút tăng lên 45 độ C. Sau 2 tiếng tăng lên 49 độ C.
Nghiên cứu này cũng sử dụng dữ liệu mô hình đứa trẻ 2 tuổi, đặt vào trong ô tô với điều kiện thời tiết 35 độ C, kết quả nhiệt độ cơ thể đạt đến độ say nóng sau 1 giờ ô tô phơi ngoài trời nắng, sau 2 giờ ở trong bóng râm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, không có khả năng thoát hiểm trong trường hợp này khi xe đã khóa cửa, tắt máy, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cha mẹ vẫn cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết để giúp trẻ có thêm cơ hội thoát nạn.
Hiện nay, trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia áp dụng luật và quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông. Đến năm 2023, đã có 115 nước có luật cấm trẻ ngồi ghế trước. Trong đó, 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em có chiều cao dưới 135 cm, Malaysia buộc phải sử dụng thiết bị an toàn với trẻ…