Ngày 25/6, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, với 4 kiểm toán viên Deloitte Việt Nam, gồm Phó tổng giám đốc Lê Đình Tứ, Phạm Hoài Nam và hai kiểm toán viên khác là Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng.
Hai kiểm toán viên Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng và Phó tổng giám đốc Lê Đình Tứ là những nhân sự trực tiếp có tên trong hai báo cáo kiểm toán SCB trong hai năm 2018 và 2019.
Theo quyết định của Uỷ ban chứng khoán, các kiểm toán viên này sẽ không được ký báo cáo kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, gồm các công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán… trong 6 tháng tới.
Deloitte Việt Nam là một trong 3 hãng “Big 4” từng kiểm toán cho SCB. Trong đó, EY Việt Nam kiểm toán cho ngân hàng này trong 5 năm, từ 2012 đến 2016. Sau đó, SCB đổi công ty kiểm toán sang Deloitte Việt Nam trong 3 năm, 2017-2019. Năm 2020, KPMG Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho ngân hàng này.
Trong một thập kỷ, ba hãng kiểm toán thuộc nhóm “Big 4” đều đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của SCB và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng. Tại thời điểm tháng 6/2021 – đợt kiểm toán soát xét gần nhất trước vụ án, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế 6 tháng hơn 450 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ.
Nhưng khi vụ việc “vỡ lở”, SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Kết quả kiểm toán lại cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.
Từng phản hồi tới VnExpress, lãnh đạo của một trong số “Big 4” kiểm toán nói rằng, hãng kiểm toán dựa vào các số liệu, tài liệu ngân hàng và bên thứ ba cung cấp mà không có chức năng thẩm định lại. Chẳng hạn, họ không có chức năng đánh giá lại tài sản đảm bảo của các khoản vay vốn đã bị các công ty thẩm định giá “khai khống”. Vì thế, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho kiểm toán.
Theo quy định, trách nhiệm của công ty kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên kết quả cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Tức là, các hãng kiểm toán phải tuân thủ chuẩn mực này, cũng như các quy định về đạo đức nghề nghiệp trong lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Việc này nhằm phát hiện xem báo cáo tài chính của ngân hàng và công ty con lập đã hợp lý và còn sai sót trọng yếu nào hay không.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 29/2, cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và hơn 2.300 kiểm toán viên hành nghề.
Trong năm ngoái, Bộ Tài chính đã xử phạt vi phạm hành chính với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề. Bên cạnh đó, cơ quan này đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.