Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, xung đột tại Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, xung đột Biển Đỏ, dải Gaza tiếp tục leo thang, giá các loại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới tăng cao làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo điều tra của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 khả quan hơn quý I với 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2023.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa yêu cầu theo hướng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, quy trình, thông tin, yêu cầu sản xuất xanh… sẽ gây áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 khả quan hơn, với 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024. Theo đó, có 45,4% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và 36,6% dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ có 18% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 khó khăn hơn quý I/2024.
Còn đối với ngành sản xuất và phân phối điện được dự báo vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư. Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, với xu hướng chung là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, các ngành công nghiệp dựa vào khai thác khoáng sản dự báo vẫn tiếp tục suy giảm trong quý II/2024.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp quý I/2024 có nhiều điểm sáng tích cực; đó là: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) quý I/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 2,6%); trong đó, 3/4 ngành công nghiệp cấp I (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là 5,9%, 12,1% và 4%.
Xét theo ngành công nghiệp, có 26/33 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 12 ngành tăng trưởng trên 10%. Một số ngành có chỉ số IIP quý I/2023 giảm nhưng sang quý I/2024 tăng cao như: sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 18,1%.
Bên cạnh đó, một số ngành xuất khẩu chủ lực quý I/2024 đã tăng trưởng trở lại như: dệt tăng 14,6%; sản xuất trang phục tăng 3,7%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 5,5%; sản xuất thiết bị điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,4%.
Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn có chỉ số IIP tăng cao như: Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hóa tăng 20%; Quảng Ninh tăng 14%; Hải Phòng tăng 12,6%; Vĩnh Phúc tăng 6,7%; Thái Nguyên tăng 6,2%.
Không những thế, tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm, thể hiện qua chỉ số tiêu thụ cao hơn chỉ số sản xuất, cụ thể: chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 5,9%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% (cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất), kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 31/3/2024 dự kiến tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tồn kho 19,8% cùng thời điểm năm 2023).
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo bình quân quý I/2024 là 68,7% (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tồn kho cùng cùng kỳ năm 2023 là 81,1%).
Bên cạnh các điểm tích cực, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, sản xuất công nghiệp quý I/2024 còn một số hạn chế như: sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất quý I/2023 giảm (quý I/2023 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng quý I/2024 chỉ tương đương với tốc độ tăng của quý I các năm 2020, 2021 (là hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19) và thấp hơn tốc độ tăng trưởng của các năm trước dịch COVID-19.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2024 tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (chỉ cao hơn quý I năm 2023, là năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng âm) cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc…
Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng ở mức thấp hoặc giảm: chỉ số IIP quý I của thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng tăng 5,1%; Bình Dương tăng 3,9%; Hà Nội tăng 3,6%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 0,2%; Quảng Ngãi giảm 0,5%; Quảng Nam giảm 2,4%; Bắc Ninh giảm 8,7%.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp trong các quý còn lại của năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành và địa phương tạo cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới; hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội, từ đó nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao.
Đại diện phía các địa phương, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện cũng như các khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình, dự án; đồng thời, tập trung quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp…
Ông Nguyễn Hiền Minh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ cho rằng, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tỉnh đang tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn, trong thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm, thuế, phí; đồng thời, có giải pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu; tăng cường quản lý chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Cùng với đó, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ cần có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa, ổn định giá cả và nguồn cung nguyên vật liệu cho doanh nghiệp…