Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều 4/7.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC nhận định: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường và kết nối đối tác. Đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu hướng tới. Với tình hình đó, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp, Chi nhánh Khu vực Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan; thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút dòng vốn đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng và xa hơn là tạo động lực cho sự cải cách, đổi mới trong chính doanh nghiệp.
Tuy vậy, song song đó các hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra nhiều áp lực khi buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh. Các thị trường lớn đã và đang tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa.
Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ; đồng thời, tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC cho rằng, trong bối cảnh cảnh thế giới đang dành sự quan tâm lớn cho mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu và logistics đang bị đặt dưới nhiều áp lực liên quan đến rào cản kỹ thuật về môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thời gian tới, bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta sẽ phân hoá rất rõ rệt khi các doanh nghiệp thay đổi kịp thời, ứng phó hiệu quả tận dụng được cơ hội, phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, doanh nghiệp thích nghi chậm hơn sẽ có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức mới khi nhiều quy định siết chặt được đặt ra tại các thị trường mục tiêu.
Ngoài ra, theo luật sư Châu Việt Bắc, trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC.
Nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Do đó, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cách mạng tiêu dùng gắn chặt với các yếu tố xanh, an toàn và nhân văn cùng với việc thực thi các cam kết liên quan đến nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Áp lực từ thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh.
Để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc xanh hóa trong doanh nghiệp cũng nên được quan tâm đúng mực; trong đó, việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị là nhân tố mang tính sống còn trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đối với định hướng về mặt chính sách, Tiến sĩ Võ Trí Thành đề xuất, cần tháo gỡ được hai điểm nghẽn là hạ tầng và nhân lực và chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng giá trị, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư FDI, tận dụng lợi thế và cơ hội để “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới nhiều biến động.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TEKCOM chia sẻ, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đang có tín hiệu tích cực khi nhu cầu thị trường phục hồi. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt những thách thức về tiêu chí bền vững mà các thị trường xuất nhập khẩu đặt ra như: Quy định chống phá rừng của EU, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ của Mỹ, mục tiêu Net-zero…
Thêm vào đó, với diễn biến thế giới phức tạp, một số rủi ro bẫy ngoại thương về lừa đảo thương mại, hợp đồng không rõ ràng, rủi ro về thanh toán và vận chuyển, biến động thị trường và chính sách, rủi ro pháp lý và tuân thủ cũng chực chờ.
Để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần thẩm định kỹ lưỡng đối tác, soạn thảo hợp đồng rõ ràng và chi tiết, có phương thức thanh toán an toàn, bảo hiểm hàng hóa, theo dõi và cập nhật thông tin thị trường một cách thường xuyên.
Trong khi đó, bà Tôn Nữ Xuân Quyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần BLUSAIGON cho rằng, hoạt động thương mại thế giới đang biến động liên tục, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường từ xung đột đến gia tăng chi phí, nâng cao tiêu chuẩn. Trong bối cảnh đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, lên phương án thích nghi với các yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu về tăng trưởng bền vững.
Ở góc độ vĩ mô, các tổ chức, cơ quan cần có hướng dẫn cho doanh nghiệp kỹ lưỡng hơn về điều kiện tận dụng các hiệp định thương mại tự do; đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, logistics, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển chuỗi cung ứng.