Những ẩn ức trong đời sống lứa đôi dễ va chạm cứ in hằn vết xước trong tâm hồn con trẻ mỗi ngày chứng kiến những hục hặc, dằn hắt, rạn vỡ. Rồi chuyện xao lòng, chuyện ngoại tình, chuyện lùm xùm tình ái của người lớn xô vào lòng trẻ những tổn thương dai dẳng, đớn đau.
Không ít lần tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt xót xa, tủi hờn của học trò. Ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhiều em đã sớm bị quăng quật không thương tiếc vào nỗi buồn triền miên khi cuộc hôn nhân của bố mẹ không như ý.
Tìm hiểu cảnh nhà học sinh mới biết do trong gia đình cơm chẳng lành, canh không ngọt đã khiến tâm lý nhiều bé trở nên bất cần. Phản ứng của các con thường là thu mình trong thế giới riêng hoặc cố tình quậy phá nhằm thu hút sự chú ý… và cả hai cách phản ứng ấy đều phản ánh một điều rằng tâm lý của tuổi đang lớn cần được quan tâm, yêu thương và chia sẻ.
Có bao giờ chúng ta sống chậm lại để nhìn sâu hơn vào đôi mắt của trẻ, để nhận thức rõ hơn về dấu vết tủi hờn mà ta vô tình gieo?… Những đứa trẻ trong gia đình quan sát cách chúng ta chung sống và trưởng thành hay suy sụp từ những quan sát ấy.
Vì vậy, đừng trưng ra trước mặt con lời nói chói tai, hành vi phản cảm và muôn kiểu ứng xử lệch chuẩn khác. Điều ấy khiến chúng suy giảm niềm tin vào tình yêu, vào hôn nhân, tương lai, cuộc sống.
Hôn nhân là chuyện của người lớn. Hãy hành xử văn minh, chuẩn mực với người bạn đời đã chung vai sát cánh cùng ta suốt chặng đường dài. Chữ tình, chữ nghĩa đầy vun tích lũy qua ngày, qua tháng sao nỡ nói lời bội bạc và hành động phũ phàng? Và dẫu chọn lựa thế nào về con đường phía trước, người lớn cũng nên nhìn sâu hơn vào đôi mắt trẻ thơ, nhìn kỹ hơn vào nụ cười trên bờ môi con trẻ để sáng suốt lựa chọn và trân quý từng khoảnh khắc bên nhau…
Xin hãy nhớ rằng trong một cuộc hôn nhân nhuốm màu bi kịch, con trẻ luôn là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Con cần lắm những bàn tay đầy hơi ấm và tình cảm trìu mến, yêu thương của những bậc sinh thành chứ không phải những ứng xử gián tiếp hoặc trực tiếp đẩy chúng vào tương lai thiếu tươi sáng.