“Các bạn trẻ bây giờ giỏi công nghệ, vững kiến thức, có nhiều mối quan hệ xã hội, đi đông đi tây nhưng nấu một bữa cơm, may một cái áo sút chỉ, sửa cái bóng đèn, thậm chí gọt một trái táo thì… chịu. Cha mẹ sợ con vất vả, khó khăn, việc gì cũng làm thay nên đã vô tình tước đi cơ hội để con tự lập, tự trưởng thành” – chị Minh Ánh (bác sĩ, ngụ quận 10, TP HCM) than thở sau khi kể cho bạn bè nghe câu chuyện của một thực tập sinh khoa chị.
Chưa từng làm việc nhà
“Một lần, người nhà bệnh nhân biếu một giỏ trái cây, mình nói một bác sĩ thực tập gọt táo cho mọi người cùng ăn. Cô bé bối rối, hết nhìn mình đến nhìn trái táo, lát sau lí nhí nói: “Nhỏ đến lớn, em chưa từng cầm dao gọt trái cây…”. Thấy mình ngạc nhiên, mấy bác sĩ trẻ trong khoa phì cười. Có bạn còn tự khai không biết nấu ăn, đến khi lấy chồng, mẹ chồng phải nấu cho ăn, giở theo cơm treo sẵn trên xe để con dâu đem theo” – chị Minh Ánh kể.
Câu chuyện của chị Minh Ánh trở thành đề tài trao đổi xôm tụ trong cuộc gặp mặt bạn bè hôm đó.
“Cháu mình 15 tuổi, đi học về, tắm rửa, ăn uống xong là lên phòng nghỉ ngơi, học bài. Không biết cầm cây chổi ra sao để quét nhà, áo quần thay ra, ống quần cái lộn trái, cái lộn phải ném vào thùng giặt, mẹ phải lộn lại rồi giặt ủi, thậm chí chai nước đem theo đi học cũng do mẹ chuẩn bị sẵn… Mình góp ý thì chị gái gạt phăng, nói con không có thời gian để học nên làm được gì cho con thì làm. Học mới khó chứ mấy chuyện vặt vãnh đó, lớn tự khắc biết làm” – chị Hồng Loan góp chuyện.
Kể câu chuyện của chính con trai mình, chị Kim Yến (48 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) thừa nhận hối hận vì thương con không đúng cách.
“Thằng bé sắp tốt nghiệp đại học rồi mà mọi việc vẫn nhờ ba mẹ lo, bị một chút trở ngại là nản chí, stress. Năm rồi đi thực tập, gặp phải người hướng dẫn khó tính, hay la mắng là khủng hoảng ngay, về nhà khóc, không ngủ được, một hai nhờ ba mẹ tìm nơi thực tập khác. Lúc đó mình nhận ra đã sai khi bảo bọc con quá kỹ, mọi việc đều làm và quyết định thay con vì sợ con thất bại, bị tai nạn. Không ngờ vì vậy mà con không biết đối mặt với thử thách, dễ dàng nản lòng, bỏ cuộc. Con cũng dễ bị tổn thương, tự ti, luôn phụ thuộc vào người khác…” – chị Kim Yến chia sẻ.
Rèn luyện kỹ năng tự lo
Cho rằng không bao giờ là quá muộn nếu nhận ra sai sót và quyết tâm thay đổi, vợ chồng chị Kim Yến dành một buổi cà phê trò chuyện nghiêm túc với con trai. Họ thừa nhận đã yêu thương, bảo bọc con không đúng cách; phân tích cho con nghe những khó khăn con có thể gặp phải trong cuộc đời mà không ai khác, ngoài con dùng nghị lực để giúp bản thân vượt qua; kể cho con những câu chuyện dám đối mặt, đương đầu với thách thức để trưởng thành và thành công từ người thật – việc thật… Anh chị cũng tập cho con học cách tự làm mọi việc phục vụ bản thân như dọn dẹp phòng riêng, giặt ủi quần áo, tự rửa chén… Những vấn đề quan trọng liên quan đến việc học cũng như nơi làm việc trong tương lai, anh chị lắng nghe con chia sẻ nhưng để con tự quyết định. Họ khuyến khích con tham gia câu lạc bộ, hội nhóm trong trường, làm công tác xã hội, làm gia sư…
“Bây giờ thằng bé đã ra trường và đi làm. Có một chút khó khăn vì kiến thức học được ở trường khác với công việc thực tế nhưng đã bình tĩnh và chịu đựng tốt hơn. Cả nhà vẫn thường trao đổi mọi việc với nhau, nếu thấy cần thì góp ý chứ không quyết định hay làm thay con. Vậy mà con nói thích như hiện tại vì thấy mình không bị lạc lõng và có ích” – chị Kim Yến nói.
Đồng cảm với câu chuyện của chị Kim Yến, chị Minh Ánh cũng cho rằng kỹ năng tự lo là vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Thương con không đồng nghĩa giành làm mọi việc, kể cả suy nghĩ, quyết định thay mà cha mẹ cần tạo điều kiện cho con học hỏi và rèn luyện kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ.
“Những việc như gọt trái cây, nấu cơm hay vài món ăn đơn giản, giặt ủi quần áo… phải dạy con làm. Bảo bọc con quá mức chỉ khiến con trở nên phụ thuộc, dễ bị tổn thương khi đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống, khó khăn trong việc hòa nhập xã hội, tìm việc và xây dựng cuộc sống gia đình. Thương con như thế khác gì hại con” – chị Minh Ánh đúc kết.