Các nhà nghiên cứu tại Australia phác thảo một lịch trình cân đối giữa ngồi, ngủ, đứng và tập thể dục, như trên. Theo đó, do đứng có tầm quan trọng lớn với sức khỏe, nên dành khoảng 5 giờ mỗi ngày.
Thiếu vận động có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng cân, tiểu đường, ung thư, thậm chí tử vong sớm… Do đó, nên giảm thời gian ngồi xuống còn 6 giờ. Phân bổ 2 giờ cho hoạt động thể chất nặng, tập trong phòng tập, đi bộ nhanh. Sắp xếp 2 giờ cho các hoạt động nhẹ, chẳng hạn làm việc nhà, nấu bữa tối. Đối với giấc ngủ, nên duy trì khoảng 8 giờ 20 phút mỗi ngày.
Tiến sĩ Christian Brakenridge, tác giả nghiên cứu, chuyên gia về sinh lý học thể dục tại Đại học Công nghệ Swinburne, Melbourne, cho rằng duy trì những thói quen này một cách đều đặn để cải thiện sức khỏe tim mạch. Ông cũng chỉ ra rằng mỗi hành vi có ảnh hưởng riêng biệt đến các chỉ số sức khỏe và phân chia thời gian trong ngày là chìa khóa để đạt được sức khỏe tối ưu.
“Di chuyển nhiều nhất khi cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải ngồi liên tục trước màn hình máy tính”, ông nói.
Một nghiên cứu gần đây phân tích dữ liệu từ hơn 2.300 người tham gia cho thấy người ít ngồi, đứng và vận động nhiều có chỉ số sức khỏe tốt nhất. Người mắc bệnh tiểu đường được khuyến khích ngủ nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh khuyến nghị này nên được xem là hướng dẫn chung, còn việc sử dụng thời gian cần phải linh hoạt và thực tế. Chuyên gia cũng lưu ý có thể không chính xác trong việc phân biệt giữa các loại hoạt động, như đứng và hoạt động nhẹ có thể được ghi nhận tương tự nhau.
Tiến sĩ Brakenridge khuyên mỗi người tìm ra cách vận động phù hợp và thú vị cho bản thân, trong đó quan trọng là cân nhắc giữa các hoạt động khác nhau. Mỗi người cũng chừa lại một khoảng thời gian tự do, ví dụ 10 phút trong một ngày 24 giờ, để linh hoạt sắp xếp lịch trình của mình.
Các nhà nghiên cứu đề ra mục tiêu hoạt động lý tưởng, song hoạt động thể chất vừa phải trong 2 giờ mỗi ngày vẫn mang lại lợi ích, ngay cả khi không đạt được mục tiêu chính xác đến từng phút.
Thanh Thúy (Theo Daily Mail, Diabetologia)