Ngày 5/7, CTCP Tập đoàn FLC cho biết đã nhận được các quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của Chi cục thuế khu vực Đak Đoa – Mang Yang.
Theo đó, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại BIDV chi nhánh Gia Lai. Số tiền bị cưỡng chế là 95 triệu đồng, lý do bởi FLC nợ tiền thuế, tiền phạt và chậm nộp đã quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Cùng ngày, FLC cũng nhận được quyết định của Cục thuế tỉnh Bạc Liêu về việc xử phạt vi phạm hành chính thuế với số tiền gần 13 triệu đồng do nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định 91 ngày trở lên.
Không chỉ Gia Lai và Bạc Liêu, thời gian gần đây FLC liên tục nhận quyết định cưỡng chế thuế từ các địa phương.
Ngày 24/6, Cục thuế TP Hà Nội đã có quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền cưỡng chế hơn 95 tỷ đồng.
Ngày 17/6, Chi cục thuế khu vực TP Sầm Sơn – Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế do nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày đối với FLC. Tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 238 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và gần 45 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Ngày 27/5, Chi cục thuế TP Quy Nhơn đã có quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền cưỡng chế 133,5 tỷ đồng. Tại Quảng Bình, Chi cục thuế tỉnh này cho biết tính đến 30/4, FLC và FLC Faros lần lượt nợ thuế hơn 294 tỷ đồng và gần 12 tỷ đồng.
Dự kiến vào 22/7 tới đây, Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch FLC sẽ bị xét xử với cáo buộc thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART và thu lợi hơn 723 tỷ đồng. Phiên sơ thẩm xét xử ông Trịnh Văn Quyết và 49 người mở tại TAND Hà Nội, dự kiến kéo dài nhiều ngày.
Ngoài 50 bị cáo, Hội đồng xét xử cho biết sẽ triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu mã ROS trong lần bán ra đầu tiên. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này cũng được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.