Thông tin được ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban quản lý dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cho biết sáng 19/6. Đến nay, công trình quy mô một tầng hầm, 4 tầng nổi, đã xây dựng xong kết cấu, vượt tiến độ 15 ngày. Đây là hạng mục chính của toàn bộ dự án ga T3, bắt đầu thi công từ tháng 8/2023 sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng và xây móng.
Cùng với ga hành khách, dự án là nhà xe PNA xây trên khu đất 130.000 m2 cũng đạt khoảng 96% khối lượng xây dựng. Công trình gồm hai tầng hầm, 4 tầng nổi, ngoài chức năng để xe còn kết hợp các dịch vụ phi hàng không, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng ăn uống phục vụ hành khách, nhân viên…
Theo ông Hồng, nhiều hạng mục khác cũng đã hoàn thành thi công kết cấu, như nhà cơ điện UC (ba tầng), trạm xử lý nước thải. Ngoài ra, một số hạng mục như sân đỗ máy bay, buýt, hệ thống cầu cạn… đang được các nhà thầu tập trung triển khai.
Song song thi công phần kết cấu, hệ thống thiết bị, máy móc cũng đang được nhập để lắp đặt theo tiến độ của từng hạng mục. Hiện trên công trường có khoảng 2.500 công nhân, kỹ sư, chia nhiều mũi triển khai để đẩy nhanh hoàn tất phần xây dựng. “Giai đoạn lắp đặt hệ thống thiết bị, cơ điện sắp tới sẽ nhanh hơn quá trình thi công xây lắp”, ông Hồng nói.
Theo đại diện chủ đầu tư, trở ngại lớn nhất ở dự án ga T3 hiện nay là mặt bằng chật hẹp gây khó cho việc tổ chức thi công, lắp dựng cẩu, đường công vụ, bãi vật liệu… Do vậy, các nhà thầu phải luân phiên, linh hoạt điều chỉnh vị trí, ưu tiên hạng mục trước, sau.
“Nhiều loại kết cấu thuộc dự án phải gia công ở nhà máy rồi đưa tới công trường để lắp dựng, thay vì có thể làm tại chỗ”, ông Hồng nói, cho biết thêm do công trình nhà ga nằm sát sân bay đang khai thác nên quá trình lắp dựng cẩu cao 75-127 m, có thể ảnh hưởng tĩnh không ở sân bay. Vì vậy, phương án thi công phải được tính toán rất kỹ nhằm tránh các rủi ro có thể phát sinh khi thi công.
Dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV). Dự kiến, công trình hoàn thành dịp 30/4 năm sau, vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch ban đầu. Khi khai thác, đây sẽ là nhà ga có quy mô phục vụ khách nội lớn nhất nước với 20 triệu người, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai ga T1 và T2 hiện hữu.
Kiến trúc ga T3 từ ý tưởng áo dài truyền thống – một trong biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Ga được thiết kế thành hai phần đi – đến riêng biệt, bên trong có 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 ki-ốt check in, 27 cửa ra máy bay, 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến…
Để kết nối nhà ga này, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà dài hơn 4 km đang được TP HCM triển khai bên ngoài với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình này dự kiến hoàn thành cuối năm 2024, ngoài kết nối ga T3 sẽ phá thế độc đạo của đường Trường Sơn ra vào sân bay, giúp giảm ùn tắc cho khu vực.