Cụ thể tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC lúc 11h30 được niêm yết ở mức 83,5-85,8 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng và tăng 800 nghìn đồng/lượng so với ngày 2/5.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn 24k tại các thương hiệu lớn sáng nay đồng loạt giảm mạnh. Chẳng hạn như tại SJC, giá vàng nhẫn giảm khoảng 400 nghìn đồng/lượng so với hôm qua xuống 73,1-74,8 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI cũng giảm 400 nghìn đồng/lượng xuống 73,7-75,25 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá vàng nhẫn ngày 2/5 cũng đã giảm khoảng 400-500 nghìn đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá vàng SJC biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng đêm qua (2/5, giờ Việt Nam) lao dốc mạnh, mất 40 USD/ounce và tuột mốc 2.300 USD/ounce.
Sáng nay (3/5), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC, tuy nhiên lại phải hủy vì chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Đây là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải hủy phiên đấu thầu vàng miếng SJC do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Ngoài ra, trước đó, một phiên đấu thầu cũng đã bị hủy do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Trước đó, NHNN thông báo tiếp tục đấu thầu vàng miếng sáng ngày 3/5/2024. Hình thức đấu thầu theo giá. Khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu là 100 lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
Liên quan đến thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.