Nguyệt Anh, hiện là sinh viên đại học năm cuối, nói “chưa bao giờ cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh đến vậy” khi giảm từ 100 kg xuống 70 kg.
Từ nhỏ, cơ địa Anh dễ tăng cân, cảm giác chỉ “hít thở thôi cũng béo”. Khi đi học, cô luôn bị chê bai về cơ thể quá khổ, ám ảnh vào trong giấc ngủ, nghĩ “phải sống chung với nó cả đời”. Lên lớp 12, Nguyệt Anh tăng 100 kg. Cô thử uống thuốc giảm cân, giảm được hơn 10 kg song luôn mệt mỏi, ủ rũ, lúc ngừng thuốc thì lại tăng cân trở lại.
Thân hình quá khổ khiến sức khỏe cô giảm sút, cao huyết áp, xương khớp. Bác sĩ khuyến cáo “cách duy nhất là giảm cân”. Là sinh viên ngân hàng, Nguyệt Anh cũng sợ không thể xin được việc, tự nhủ phải giảm cân để có ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhẹn hơn.
Tháng 4/2023, cô lên mạng tìm hiểu các biện pháp giảm cân an toàn. “Tập gym thì không có điều kiện thuê huấn luyện viên riêng còn nhịn ăn thì không có sức đi học”, Nguyệt Anh nghĩ. Cô quyết định đạp xe mỗi ngày kết hợp ăn thâm hụt calo để cải thiện vóc dáng.
Mỗi ngày, cô thức dậy từ 5h30, đạp quãng đường khoảng 20 km, “vừa để giảm cân, vừa thay đổi môi trường giúp thư giãn”. Những ngày đầu, cô đạp với cường độ nhanh, không nghỉ nên thỉnh thoảng bị khó thở, chóng mặt, mệt mỏi. Để cải thiện, cô ăn nhẹ, uống đủ nước và khởi động khoảng 10 phút trước tập.
Nguyệt Anh cho biết đạp xe giúp tất cả cơ bắp được hoạt động, từ đó giảm mỡ bụng, vai, cánh tay hay bắp chân. Khi đạp xe đường dài, cô thường dừng nghỉ khoảng 5-7 phút để không bị quá sức.
“Đạp xe cần hít thở đều như chạy bộ”, Anh nói và cho rằng đây là cách kéo dài sức bền. Khi đạp, cô cố định bàn chân chắc chắn để tránh chấn thương, đau khớp. Nếu bị chuột rút, căng cơ, cô thả lỏng cơ bắp, uống thêm nước.
Theo các chuyên gia, khi đạp xe, các cơ ở lưng dưới nâng đỡ phần thân trên, giúp ổn định thân trên và giữ cột sống thẳng. Hành động nghiêng người về phía trước cũng tăng cường vận động, sức mạnh cho cơ lưng. Chuyển động khi đạp xe khuyến khích sản xuất chất lỏng hoạt dịch, bôi trơn các khớp và bảo vệ khớp khỏi đau nhức, cứng khớp. Bộ môn này còn cải thiện chức năng tổng thể ở phần dưới và tăng cường cơ bắp chân mà không gây căng thẳng quá mức cho các khớp.
Đạp xe ở cường độ cao còn giảm lượng mỡ đùi, thúc đẩy duy trì cân nặng phù hợp. Bộ môn cũng tác động đến cơ bắp tay, cơ tam đầu của cánh tay và các cơ vai, nhờ đó làm săn chắc các cơ này và đốt cháy mỡ ở cánh tay. Bài tập còn giúp giảm tích tụ mỡ ở bụng.
Nhờ đó, sau hai tháng, cô giảm 15 kg, thu nhỏ hơn 10 cm mỡ bụng, giảm đau nhức chân, ngủ ngon hơn.
Ngoài đạp xe, Anh ăn thâm hụt calo để giảm cân nhanh hơn. Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng nhất của giảm cân là thâm hụt calo, tức lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập thể dục. Thâm hụt calo là yếu tố quan trọng nhất của việc giảm cân, khác với việc cưỡng ép ăn kiêng dẫn đến thiếu hụt năng lượng.
Riêng Anh không ép bản thân ăn theo chế độ hay thực đơn quá nghiêm ngặt. “Mỗi bữa ăn, mình chỉ tính toán cân đối calo, đảm bảo ăn vừa đủ no là được”, cô nói. Cô ưu tiên món luộc, hạn chế đồ chiên xào, dầu mỡ. Bữa ăn phải đảm bảo nhiều protein (chất đạm) từ hải sản, trứng, thịt gà, các sản phẩm từ sữa để no lâu và xây dựng cơ bắp tốt hơn.
Cô từ bỏ đồ ăn vặt, chiên rán, nước có ga, rượu bia ra khỏi khẩu phần ăn. Sau khi cơ thể thích nghi, nữ sinh giảm ăn tối, ưu tiên hoa quả ít đường như dưa hấu, dưa lưới, dưa leo, ổi và uống nhiều nước. Dưa hấu là một trong những trái cây có lượng calo thấp (chỉ 46 calo mỗi cốc 154 g), thấp hơn so với các loại trái cây ít đường khác.
Cô tập thói quen ghi lại số đo mỗi ngày để theo dõi cơ thể. Thỉnh thoảng, Anh nhịn ăn gián đoạn để siết cân nhanh. Sau một năm, Nguyệt Anh giảm còn 70 kg. “Hành trình này còn rất dài, mục tiêu của mình là giảm về 65 kg. Tuy nhiên, mình rất tự hào vì hình ảnh hiện tại”, nữ sinh nói.
Thùy An