Trò chuyện
Nếu bạn dự định đi cùng con đến cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trước tiên hãy bắt chuyện với con. Mục đích là làm cho con hiểu lý do tại sao cả nhà lại đi mua sắm.
Một cách hiệu quả là ngồi lại với con và lập danh sách những thứ cần mua. Hãy để con viết trong khi bạn đọc tên các món đồ.
Sau đó khẳng định với con rằng bạn sẽ chỉ mua những gì có trong danh sách. Mẹo này cũng có tác dụng khi bạn phải đưa con đến cửa hàng đồ chơi để mua quà cho một đứa trẻ khác (bạn của con hoặc anh chị em trong nhà).
Đặt ra kỳ vọng rõ ràng trước sẽ giúp con ít có khả năng đòi hỏi quá mức khi đang ở cửa hàng.
Nói bằng giọng tử tế nhưng kiên quyết
Thực tế, trong các cửa hàng, người ta phải suy nghĩ rất nhiều về việc trưng bày các mặt hàng theo cách thu hút sự chú ý của trẻ. Vì vậy, khi đi quanh cửa hàng, con bạn chắc chắn sẽ thấy thích một thứ gì đó và chúng có thể quên mất cam kết đã hứa trước đó ở nhà.
Con thậm chí có thể yêu cầu bố mẹ mua cho thứ gì đó mà con thấy hấp dẫn. Nếu điều này thường xuyên xảy ra, hãy nói chuyện với con một cách tử tế nhưng kiên quyết.
Ví dụ: “Mẹ biết con muốn có con búp bê đó, nhưng con có nhớ rằng chúng ta đến đây chỉ để mua những thứ có trong danh sách của chúng ta, chứ không phải thứ gì khác không?”.
Cách tiếp cận này hầu như sẽ hiệu quả đối với mọi đứa trẻ. Con có thể hờn dỗi trong chốc lát nhưng đừng để điều đó ảnh hưởng đến bạn.
Ghi lại những yêu cầu của con
Một cách hữu ích để trấn an con là viết ra những yêu cầu của con. Hãy lấy sổ ghi chú hoặc điện thoại của bạn ra và lập danh sách. Nói với con rằng bạn không thể đáp ứng yêu cầu của con ngay lập tức nhưng bạn sẽ cân nhắc mua một trong số những thứ con muốn vào ngày sinh nhật của con.
Giải pháp này sẽ mang lại cho con một cái gì đó để mong đợi. Tuy nhiên, hãy thận trọng khi sử dụng chiến lược này mỗi khi con yêu cầu điều gì đó. Vì nó có thể khiến con nghĩ rằng con chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều quà vào ngày sinh nhật của mình.
Kiên quyết, không nhượng bộ
Khi được nhắc nhở về lời hứa không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ cửa hàng, hầu hết trẻ em sẽ từ bỏ việc đưa ra yêu cầu của mình.
Nhưng, nếu con vẫn cố chấp hoặc nổi cáu ở cửa hàng, đừng nhượng bộ. Nhiều bậc cha mẹ nhượng bộ những cơn giận dữ của con chỉ để tránh bị xấu hổ ở nơi công cộng. Thay vào đó, hãy biết rằng đó là một cuộc chiến trí tuệ hơn là cảm xúc – con đang thử vận may mặc dù biết rằng mình đã thỏa thuận với bố mẹ.
Khen thưởng hành vi tốt
Nếu con cư xử tốt trong cửa hàng, hãy thưởng cho con một phần thưởng nhỏ khi bạn trở về nhà. Đọc cho con nghe một câu chuyện hoặc cho phép con xem TV nhiều hơn thời gian quy định.
Hãy thể hiện sự đánh giá cao của bạn, chẳng hạn “Hôm nay chúng ta đã có một trải nghiệm mua sắm thú vị. Mẹ/bố ngưỡng mộ cách con tuân thủ thỏa thuận của chúng ta là chỉ mua những gì có trong danh sách. Con làm tốt lắm!”
Sự khích lệ này cũng sẽ khuyến khích con rèn luyện tính tự kiềm chế trong những lần ghé thăm cửa hàng hoặc siêu thị trong tương lai.
Việc dạy con rời khỏi cửa hàng mà không vòi vĩnh thứ gì thực chất chỉ là vấn đề về kỷ luật và thói quen. Tuy nhiên, bạn có thể linh hoạt trong những trường hợp đặc biệt.
Nhưng nhìn chung, bạn đang giúp con mình học cách trì hoãn sự hài lòng và chịu đựng sự thất vọng – hai kỹ năng thiết yếu sẽ giúp con điều chỉnh cảm xúc của mình. Hãy tin rằng, khi lớn lên, con sẽ biết ơn sâu sắc vì những gì bạn đã dạy dỗ con.
Theo parentcircle.com