Nha đam hay lô hội là loài cây quen thuộc, không chỉ được dùng là vị thuốc trong Đông y và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp mà còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn, đồ uống thơm ngon, thanh mát.
Gỏi nha đam
Không cần quá cầu kỳ, bạn có thể chế biến rất nhiều món ngon từ nha đam tốt cho sức khỏe cũng như làn da.
Nguyên liệu làm gỏi nha đam gồm: Nha đam 1 nhánh khoảng 300g; tôm sú (200g); nghêu 500g; 1 củ hành tây, cần tây 100g, ở đỏ 2 trái; muối, đường, nước mắm, nước cốt chanh (2 quả).
Cách làm gỏi nha đam như sau: Gọt vỏ, rửa sạch nha đam, cắt nha đam thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Đem chần sơ nha đam trong nước sôi, rồi để nha đam ráo nước.
Hành tây cắt thành từng khoanh lát mỏng, ngâm với nước lạnh cho bớt mùi hăng. Cần tây cắt khúc vừa ăn. Ớt đỏ, một trái thái sợi mỏng, trái còn lại băm nhỏ. Tôm rửa sạch, bỏ chỉ đen.
Tôm luộc chín, vớt ra, cho vào tô nước đá. Bóc vỏ tôm và chừa lại đuôi tôm, đem đi xào chín với gia vị. Đun nước sôi, cho nghêu vào luộc cùng với muối, đường và 1/2 quả chanh vắt lấy nước.
Cách pha nước sốt: ớt sừng băm nhuyễn, nước cốt chanh, đường, muối, nước mắm (tùy vào số người ăn để điều chỉnh gia vị phù hợp).
Sau khi tôm, nghêu, nha đam và các gia vị đã sẵn sàng, bạn cho vào tô, bỏ nước sốt vào và trộn đều để thấm gia vị. Bạn có thể cho thêm ít lạc (đậu phộng) rang, rau răm, rau thơm vào để đĩa gỏi thêm bắt mắt.
Súp nha đam hải sản
Nguyên liệu thực hiện món súp nha đam hải sản gồm: nha đam đã gọt vỏ 1 nhánh (300g); thịt cua 100g; tôm sú 200g; mực 100g; nước dùng gà 500ml; trứng gà 1 quả. Các loại gia vị đường,muối, nước mắm, bột năng.
Cách làm: gọt vỏ và cắt thịt nha đam theo kiểu hạt lựu. Lấy tôm và mực luộc chín rồi cắt thành hạt lựu vừa ăn. Đập trứng gà vào chén và đánh tan.
Sau đó cho thịt cua, tôm, mực, nha đam vào nồi nước sôi nấu chín. Đổ phần trứng gà đã đánh tan vào và cho thêm một ít bột năng tạo độ sánh. Cuối cùng là nêm nếm gia vị vừa ăn và tắt bếp.
Thạch nha đam
Nguyên liệu gồm: nha đam đã gọt vỏ 750g; đường phèn 140g; nước cốt chanh 1/2 quả.
Cách làm thạch nha đam như sau: Gọt vỏ nha đam và cắt hạt lựu, rồi ngâm với nước muối và chanh pha loãng ít nhất 20 phút.
Sau đó, rửa sạch nha đam 2 lần và để ráo nước. Đun sôi 400ml nước rồi cho nha đam vào trụng sơ gần 1 phút. Đổ nha đam đã chần vào tô nước đá khoảng 5 phút. Bạn vớt ra tô và để ráo.
Sau khi ngâm với đá lạnh xong, bạn trực tiếp ngâm thịt nha đam với đường phèn để thạch thấm vị ngọt. Cuối cùng, bạn đậy kín thạch nha đam và bảo quản trong tủ lạnh.
Tùy vào khẩu vị bạn có thể cho lượng đường phèn giảm hoặc nhiều người còn cho thêm nước dừa tươi vào để cho món thạch nha đam thơm ngon hơn.
Chè nha đam
Chè nha đam là món chè được ưa thích nhất, đặc biệt phù hợp với mọi độ tuổi với hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, đặc biệt giúp giải nhiệt ngày hè oi nóng.
Từ nha đam có thể chế biến các món chè như chè nha đam đường phèn, chè nha đam đậu đen, chè nha đam đậu xanh, chè nha đam hạt sen, chè nha đam long nhãn.
Cách làm chè nha đam long nhãn
Chuẩn bị nguyên liệu: 2 nhánh nha đam, tầm 500g. Long nhãn chuẩn bị khoảng 200g, đường phèn 200g. Ngoài ra bạn cần chuẩn bị một ít muối và một quả chanh tươi.
Cách chế biến món chè nha đam cũng khá đơn giản mọi người đều có thể làm được. Nha đam sau khi mua về sẽ cắt bỏ vỏ lấy lớp thịt ở trong. Thái nha đam thành hình hạt lựu đều nhau. Khi thái xong chúng ta ngâm nha đam vào nước lạnh pha muối và ít nước cốt chanh.
Sơ chế long nhãn chúng ta cần ngâm vào nước tầm 15 phút rồi vớt ra. Khi nha đam được vớt ra rửa sạch, thì cho chần qua nước sôi một vài phút.
Cho 1 lít nước vào nồi đun sôi sau đó cho đường phèn vào đun cho đường phèn tan ra. Tiếp theo cho nha đam vào cho sôi vài phút, rồi cho long nhãn vào rồi tắt bếp. Bạn có thể ăn nóng hoặc để nguội rồi cho vào ngăn mát, khi dùng có thể cho thêm đá lạnh, tùy sở thích.
Ngoài ra, từ nha đam bạn có thể chế biến rất nhiều đồ uống thanh mát như nha đam hạt chia, nha đam mủ trôm, nha đam mật ong…