Video: Hành trình khám phá thế giới của bé Gạo.
Đam mê xê dịch, khi con gái Nguyễn Khánh An (tên thường gọi là bé Gạo, hiện tại 26 tháng tuổi) mới ra đời, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Minh (29 tuổi, quê Sóc Trăng) và chị Trần Thanh Thảo (28 tuổi, quê Cần Thơ) đã nảy ra ý tưởng cùng con trải nghiệm, khám phá mọi miền Tổ quốc. Thay vì cho con đi nhà trẻ, họ mang bé theo cùng trong hành trình khám phá thế giới qua những chuyến du lịch đường dài.
Tính đến nay, cả gia đình đã đi phượt hơn 600 ngày. Hành trình của gia đình trẻ này đã gây sốt khắp các nền tảng mạng xã hội khiến không ít người ngưỡng mộ.
Chuyến đi đầu tiên của Gạo diễn ra lúc cô bé mới 3 tháng tuổi. Từ đó đến nay, khoảng thời gian ở nhà lâu nhất của gia đình trẻ này là 2 tuần, còn phần lớn cuộc sống của họ diễn ra trên hành trình du lịch. Gạo rất ngoan, hợp tác tốt với ba mẹ trong các chuyến phượt, theo ba mẹ đi từ rừng núi đến biển. Tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, trông bé cứng cáp và lớn hơn tuổi.
Anh Minh cho biết: “Hiện tại, bé vẫn chưa đi học mầm non, chủ yếu những kỹ năng của Gạo đến thời điểm hiện tại là do mẹ dạy. Gia đình mình có kế hoạch tiếp tục đi, đến lúc con gần 6 tuổi mới tính tới chuyện dừng để bé đi học lớp 1. Tôi nghĩ việc đưa con đi trải nghiệm từ sớm rất đáng giá, để con học cái mới, giúp con thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, và quan trọng nhất là khả năng kết nối cộng đồng và bạn bè mới rất nhanh”.
Chị Thảo chia sẻ thêm: “Lý do để vợ chồng mình thực hiện chuyến đi khi con còn nhỏ là mình biết quá trình hình thành tư duy và tính cách của trẻ là từ 0 đến 6 tuổi. Ở giai đoạn này, mình mong bé được trải nghiệm nhiều, thích nghi và làm quen với những hoạt động ngoài trời. Chuyến đi dài hạn giúp bé thích nghi được nhiều dạng thời tiết khác nhau, từ đó tăng cường sức đề kháng trong cơ thể”.
Hai vợ chồng cho biết, khi đưa con gái nhỏ cùng đi phượt, họ không gặp khó khăn trong việc chăm sóc bé. Cặp đôi duy trì làm việc từ xa và thay nhau chăm con, đi chơi nhiều. Nhờ đó, bé Gạo thích nghi với cái mới khá nhanh. Từ khi sinh ra, phượt thủ tí hon này đã rất khỏe mạnh nên họ không ngại đưa con đi xa, và thực tế sức khỏe của bé rất tốt trong gần 2 năm thường xuyên xê dịch.
“Bạn đồng hành” của gia đình trong chuyến đi là chiếc ô tô bán tải 2 cầu. Trên xe có chiếc lều chuyên dụng để cả nhà ngủ. Lều có thiết kế riêng, tách biệt, khi xe dừng, anh Minh mới căng ra để cả nhà nghỉ ngơi. Cặp vợ chồng trang bị ghế cho trẻ em để con có thể nghỉ ngơi, có chỗ ngồi an toàn và thoải mái trong suốt hành trình.
Để chuẩn bị cho cuộc sống trên đường, bé Gạo được tập ăn thô khá sớm. Hành lý mang theo luôn có sẵn áo ấm, sữa bột, cháo dinh dưỡng và tã bỉm. Chị Thảo cũng chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc cần thiết để dùng khi cần. Điểm cắm trại của gia đình luôn nằm gần khu đô thị để đảm bảo khi có tình huống cần sơ cấp cứu, họ sẽ tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ y tế.
Để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, nhất là em bé, gia đình nhỏ luôn ưu tiên ngủ trên lều nóc được lắp trực tiếp lên xe. Họ rất hạn chế ngủ lều đất. Trong trường hợp cắm trại bằng lều đất, họ sẽ sử dụng tấm cách nhiệt nhiều lớp và nệm, do đó việc ngủ lều chưa bao giờ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé Gạo.
Bé Gạo được làm quen với nhiều bạn mới trong các chuyến du lịch của gia đình và chơi với bạn rất hòa đồng, vui vẻ. Ngoài việc tạo điều kiện cho con tiếp xúc, làm quen và chơi với những đứa trẻ khác, vợ chồng anh Minh cũng nghiên cứu, tìm hiểu để cung cấp cho con những kiến thức phù hợp với độ tuổi theo từng giai đoạn.
Chị Thảo tâm sự: “Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy khả năng tiếp cận cái mới và tiếp xúc cộng đồng của bé Gạo khá nhạy bén. Gạo học những cái mới mà ba mẹ dạy rất nhanh dựa vào những trải nghiệm thực tế trong lúc đồng hành với ba mẹ”.
Gia đình nhỏ đặc biệt yêu thích những địa điểm bình yên, hoang sơ như Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên), đèo Hải Vân (Đà Nẵng), đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải (Yên Bái), thảo nguyên Suôi Thầu, bản Phùng, Hoàng Su Phì, đỉnh Chiêu Lầu Thi (Hà Giang), thác Cò La, núi Mắt Thần (Cao Bằng), làng nguyên thuỷ ở Mộc Châu (Hang Táu) và hai ngày du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Hành trình đi khắp đất nước có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ, nhưng kỷ niệm đặc biệt nhất là lúc nhà cả nhà cắm trại trên đỉnh Chiêu Lâu Thi ở độ cao 2.400m. “Ở độ cao này, mây mù bao phủ gần như cả ngày nên trời rất lạnh. Nhưng sức đề kháng của bé Gạo rất tốt nên những ngày nhà mình cắm trại trên đỉnh Chiêu Lầu Thi, bé Gạo rất thoải mái vui chơi mà không gặp vấn đề nào khác về sức khoẻ, mặc dù thời tiết lúc đó chỉ 8-10 độ C”, anh Minh chia sẻ.
Trong chuyến đi, trung bình mỗi ngày gia đình nhỏ tiêu hết khoảng 1 triệu đồng cho các khoản như: Tiền xăng dầu, chi phí bãi đỗ xe, sinh hoạt, ăn uống và lương thực dự trữ. Chi phí khách sạn, homestay không nhiều do gia đình chủ yếu nghỉ trong lều trại.
Anh Nguyễn Ngọc Minh nói thêm về việc chia sẻ thông tin hành trình của ba người: “Mình làm những video cả nhà đi du lịch một phần cũng là muốn lan tỏa cảnh đẹp của Việt Nam, cũng muốn truyền cảm hứng cho những gia đình đưa con đi du lịch. Mình không cổ xuý bỏ công việc cố định để đi du lịch, vì tính chất công việc mỗi người mỗi khác. Theo mình, các ba mẹ không có nhiều thời gian có thể đưa con đi trải nghiệm vào những ngày cuối tuần, đó cũng là một cách để bé thích nghi với những cái mới ngoài tự nhiên”.
Gia đình nhỏ này đang chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đi xuyên châu Âu bằng xe mobihome vào năm sau, để cả nhà được chiêm ngưỡng thêm nhiều cảnh đẹp và trải nghiệm nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Video: Hành trình cắm trại của gia đình bé Gạo từ Nam ra Bắc.