Có thể nói rằng, điện thoại ngày nay chứa cả một thế giới, từ công việc cho tới bạn bè, tin tức, trò chơi. Không có gì lạ khi ngay cả một đứa trẻ cũng dễ dàng bị cuốn vào các thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng điện thoại khi ở bên con, điều đó có thể ảnh hưởng tới khả năng phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Đó là bởi vì cha mẹ mất tập trung sẽ dành ít thời gian tham gia vào các tương tác có ý nghĩa, khiến trẻ có ít cơ hội học hỏi hơn.
Cha mẹ tác động thế nào đến sự phát triển ngôn ngữ của con mình?
Nền tảng ngôn ngữ của một đứa trẻ bắt nguồn từ việc giao tiếp với cha mẹ ở nhà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi cha mẹ thường xuyên nói chuyện với trẻ sơ sinh, khả năng ngôn ngữ của chúng sẽ phát triển mạnh mẽ khi lớn dần lên.
Ngay cả kiểu nói có âm vực cao nếu thường được sử dụng với trẻ sơ sinh cũng có thể cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.
Khi cha mẹ bị phân tâm, chẳng hạn như khi họ sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử khác, họ sẽ ít kết nối với con mình. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng giao tiếp, khiến trẻ bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để phát triển. Suy cho cùng, trẻ em học hỏi tốt nhất từ sự tương tác với người chăm sóc chúng.
Thói quen dùng điện thoại của cha mẹ ảnh hưởng tới trẻ như thế nào?
Việc cha mẹ tập trung dùng điện thoại sẽ dẫn tới một hệ lụy tất yếu là họ sẽ ít tương tác với con mình.
Một nghiên cứu trong giờ ăn cho thấy, nếu cha mẹ sử dụng điện thoại, họ sẽ giảm 20% khả năng giao tiếp bằng lời nói với con mình, giảm 39% khả năng phi ngôn ngữ khác gồm nét mặt, giao tiếp bằng mắt hay ngôn ngữ cơ thể.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc sử dụng điện thoại di động của cha mẹ có liên quan đến việc giảm nhận thức và độ nhạy cảm ở trẻ.
Thói quen này của cha mẹ còn khiến con cái ít có khả năng tiếp thu các kỹ năng xã hội quan trọng như cách tương tác bằng mắt, sự tập trung vào người đối diện, phản ứng nhanh… Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trong tương lai.
Một nghiên cứu được tiến hành lên 38 phụ huynh thực hiện hành động giới thiệu cho con mình những từ mới. Kết quả là khi cha mẹ bị gián đoạn bởi điện thoại, trẻ không học được những từ đó.
Mặc dù cha mẹ không nhận ra việc sử dụng điện thoại của mình ảnh hưởng tới con như thế nào nhưng theo thời gian nó sẽ tác động đáng kể tới sự phát triển của trẻ. Vì thế, tốt nhất cha mẹ nên quản lý việc sử dụng điện thoại của mình cũng như hình thành các thói quen lành mạnh xung quanh con cái.
Những mẹo giúp cha mẹ thay đổi thói quen dùng điện thoại
Thật không dễ dàng để xa rời chiếc điện thoại trước mặt con mình nhưng bạn có thể hạn chế được phần nào thói quen này. Việc cha mẹ ít bị phân tâm sẽ mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển của con cái. Dưới đây là một số cách giúp cha mẹ thay đổi thói quen sử dụng điện thoại của mình.
– Sắp xếp thời gian không dùng điện thoại trước mặt con
Trong thời gian ở bên cạnh con cái, cha mẹ có thể tắt điện thoại hoặc để ở phòng khác, chỉ tập trung vào việc tương tác với con cái. Điều này có thể giới hạn thời gian trong khoảng 1 hoặc 2 tiếng.
– Tắt tiếng chuông thông báo trên điện thoại
Nếu tắt âm thanh tin nhắn của điện thoại, cha mẹ sẽ hạn chế đáng kể sự xao nhãng khi ở bên cạnh con mình. Bạn cũng có thể đặt điện thoại di động ở chế độ “không làm phiền” hoặc “máy bay”.
– Thiết lập các địa điểm “không có điện thoại”
Cho dù đó là phòng chơi hay phòng ăn, có một số khu vực trong nhà được quy định không được dùng điện thoại.
– Làm cho điện thoại kém hấp dẫn hơn
Di chuyển các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất vào một chỗ không dễ truy cập. Bạn cũng có thể chọn màu thang độ xám cho hình nền, điều này có thể khiến bạn ít muốn cầm thiết bị hơn.
– Giải thích hành vi sử dụng điện thoại khi ở cạnh con
Trong một số trường hợp cần dùng điện thoại, bạn hãy giải thích rõ với trẻ là mình cần trả lời tin nhắn công việc quan trọng, lên lịch đi khám bệnh…