Không ít mẹ bỉm đổi lên đổi xuống không biết bao nhiêu lần bình sữa cho con mới có thể tìm ra được loại gọi là “chân ái”. Ai cũng biết, mỗi em bé lại có đặc điểm, nhu cầu, sở thích không giống nhau, thế nên có bé phù hợp với bình này, có bé phù hợp với bình khác. Và điều các mẹ có thể làm là theo dõi, quan sát, tìm hiểu rồi mua loại nào con hợp tác nhất.
Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng hành trình này quả thực khá đau đầu. Em bé nào trộm vía hợp tác ngay từ chiếc bình đầu tiên mẹ mua quá là may mắn. Còn không ít mẹ phải đổi đến vài lượt, thậm chí hơn chục lượt, tốn cả thời gian lẫn tiền bạc của bà mẹ như trong clip dưới đây.
Để tìm ra chiếc bình phù hợp nhất với con, người mẹ này đã chịu khó xách tay về 3 chiếc bình sữa được mệnh danh là “chân ái” của nhiều mẹ bỉm. Thương hiệu xịn sò nên giá cả cũng khá đắt, giao động từ 800k-950k. Giá này là ở mức phân khúc cao trong giới bỉm sữa. Tuy nhiên, trải nghiệm của người mẹ lại rất “lạ”.
Hí hửng xách tay từ nước ngoài về 3 chiếc bình sữa đắt nhất. Nguồn: reviewbimsua
“Bình sữa đắt tiền thì liệu có tốt. Đây là 3 chiếc bình sữa đắt nhất mà mình đã đặt cho em bé nhà mình. Đầu tiên là Amulait, một dòng bình sữa rất nổi tiếng ở châu Âu. Mình đã xách tay cái bình này về với giá khoảng hơn 800k. Ưu điểm vượt trội của hãng này là thiết kế giống với ti mẹ 80-90%, từ màu sắc, độ mềm đến hình dáng. Trên thị trường Việt Nam, mình chưa thấy cái bình nào mà có độ mềm núm ti như này, siêu mềm. Mình thấy núm này có rất nhiều màu, có lẽ là để phù hợp với các màu da.
Thứ 2 là bình Betta, hãng này thì cũng khá nổi rồi. Bình này có họa tiết là mấy chú mèo rất xinh, cũng xách tay về với giá khoảng 850k. Điểm chung của 3 hãng này là đều có thiết kế hình dáng đặc biệt, chống đầy hơi tốt. Bình Betta này núm cũng mềm, không mềm bằng Amulait đâu.
Và cuối cùng là bình sữa đắt nhất Hegen. Bình thường thì nó cũng chỉ rơi vào 400k-500k thôi, nhưng đây là phiên bản in tên cho con và in thêm sticker con mèo. Mình mua trực tiếp từ hãng, về tay là 950k. Bình Hegen thì quá quen thuộc với mọi người rồi, thế nhưng mình thấy đối với một số bạn nhỏ khó tính thì núm ti của Hegen hơi bẹt, khác so với ti mẹ nên sẽ không hợp tác.
Tổng quan chung sau một thời gian dùng cho các em bé nhà mình thì mình khẳng định rằng không có bình sữa tốt nhất mà chỉ có bình sữa phù hợp nhất. Mình thấy là các loại bình sữa đắt tiền, đặc điểm chung là dòng chảy hơi chậm hoặc không tự chảy. Thế nhưng em bé nhà mình lực hút khá mạnh, không thích bình chảy chậm nên mình toàn đục thêm khoảng 2 lỗ để tốc độ chảy nhanh hơn.
Ví dụ như bình Hegen, bạn nhà mình 4 tháng thì thường sử dụng núm 2 là ok rồi đúng không, nhưng mình phải đục thêm 2 lỗ nữa. Vậy nên theo mình, các mẹ không nên quá tập trung vào việc sắm bình sữa đắt tiền mà nên test thử một vài mẫu. Mẫu nào càng sát với núm ti mẹ càng tốt, con ưng loại nào thì mình chỉ mua loại đó thôi”, bà mẹ trẻ tâm sự.
Nếu con bạn không thích bình sữa mà bạn đã mua, bạn có thể thử các biện pháp sau
– Đổi núm ti: Có thể bé không thích dòng chảy hoặc hình dạng của núm ti. Hãy thử núm ti khác với dòng chảy hoặc hình dạng khác nhau để tìm kiểu phù hợp với bé.
– Kiên nhẫn: Đôi khi bé cần thời gian để làm quen với bình sữa mới. Hãy thử giới thiệu bình sữa một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn.
– Kết hợp bú mẹ: Nếu bạn đang cho bé bú mẹ, hãy thử kết hợp bú mẹ và sử dụng bình để bé không cảm thấy xa lạ với bình sữa.
– Thay đổi nhiệt độ sữa: Bé có thể ưa thích nhiệt độ sữa nhất định. Hãy thử điều chỉnh nhiệt độ sữa trong bình để phù hợp với sở thích của bé.
– Thay đổi thời điểm: Bé có thể đón nhận bình sữa tốt hơn vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Hãy thử đổi thời gian cung cấp bình sữa xem sao.
– Thay đổi vị trí bú: Thay đổi tư thế hoặc vị trí khi cho bé bú bình có thể giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
– Kiểm tra lý do khác: Đôi khi bé không thích bình sữa do lý do khác như sữa không phù hợp, bé đang không thoải mái hoặc ốm yếu. Kiểm tra để đảm bảo không có vấn đề sức khỏe nào khác.