Nhắc tới những điểm đến du lịch nước ngoài hấp dẫn đối với riêng du khách Việt, không thể bỏ qua Trung Quốc. “Quốc gia tỷ dân” không chỉ sở hữu phong cảnh đẹp mà còn có nền văn hoá đa dạng và phong phú hay nhiều công trình được xem là di sản của thế giới, của nhân loại, rất phù hợp cho việc tham quan.
Song đôi khi chính những địa điểm như vậy lại đem đến những trải nghiệm “nhớ đời” cho các du khách. Và câu chuyện sau đây của một nữ du khách Việt, xảy ra vào chuyến đi hồi cuối tháng 3 vừa qua là một ví dụ.
Nữ du khách là P.T.Hà, 31 tuổi, đến từ Hà Nội. Trong chuyến đi đến thủ đô Bắc Kinh, nữ du khách không thể bỏ lỡ tham quan “Bức tường vạn dặm” nổi tiếng, được xem là một trong những biểu tượng của Trung Quốc là Vạn Lý Trường Thành. Và câu chuyện éo le cũng xảy ra ở chính địa điểm này.
Theo lời kể của nhân vật, để lên tới khu vực nổi tiếng nhất ở Vạn Lý Trường Thành – Bát Đạt Lĩnh, có lựa chọn sử dụng cáp treo. T.Hà đã chọn hình thức này và mua vé khứ hồi 2 chiều – chiều đi và chiều về. Bởi vỗn dĩ cô là người có sức khoẻ yếu, không thể đi bộ đường dài; thêm vào đó lại muốn tiết kiệm thời gian. Được biết, độ cao của Vạn Lý Trường Thành không quá lớn, song nằm trên đỉnh núi, địa hình đặc biệt với nhiều đoạn dốc, bậc thang cao sẽ khiến nhiều du khách phải “chùn chân”.
Thời tiết địa phương hôm đó xuất hiện gió lớn, khiến chiếc cabin cáp treo đã có phần không ổn định ở chiều cáp treo đi lên. Và điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Cũng bởi tình trạng gió lớn, dịch vụ cáp treo đã sớm treo biển đóng cửa, không thể hoạt động với lý do thời tiết không đảm bảo. Điều này đồng nghĩa với việc, ở chiều về, các du khách, trong đó có T.Hà sẽ phải đi bộ để trở xuống.
“Lúc nhìn thấy bảng thông báo đóng cửa cáp treo vì lý do gió lớn mình đã rất sốc. Không còn cách nào khác mình và mọi người sẽ phải đi bộ để trở về. Trong đầu mình thậm chí đã thoáng nghĩ có lẽ hôm nay mình không thể về nhà rồi”, nữ du khách kể lại.
Tuy nhiên, suy nghĩ là như vậy song nữ du khách vẫn bắt buộc phải đi bộ. Được 1/3 quãng đường, phép màu đã xuất hiện. Tại một khu vực của Vạn Lý Trường Thành, có hệ thống các xe trượt để phục vụ đưa du khách xuống chân núi với một trải nghiệm rất khác lạ. Chính hệ thống xe trượt này đã trở thành “cứu tinh” cho nữ du khách.
Các xe trượt tương tự như xe trượt trong các khu hoạt động thể thao hay chơi trò chơi mạo hiểm. Mỗi ghế chỉ vừa cho một người và được cố định an toàn bằng phần đai an toàn phía thân trên. Nhờ có xe trượt, nữ du khách Việt và nhiều du khách khác đã có hành trình “xuống núi” thành công và đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Bức tường thành hơn 2000 tuổi không thể bỏ lỡ khi tới Trung Quốc
Như đã nói ở trên, Vạn Lý Trường Thành được mệnh danh là bức tường vạn dặm, là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của quốc gia tỷ dân. Bởi vậy, hầu hết mọi du khách đến du lịch Trung Quốc, đặc biệt là lần đầu, đều không thể bỏ lỡ việc tham quan nơi này. Năm 1987, công trình chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Theo thông tin được đăng tải trên trang chính thức của Tổ chức Kỷ lục thế giới UNESCO, tổng chiều dài của Vạn Lý Trường Thành là hơn 20.000km, trải dài trên 9 tỉnh thành. Bức tường thành vốn dĩ được phục vụ cho mục đích phỏng thủ quân sự, được xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ 3 TCN đến thế kỷ thứ 17 SCN ở biên giới phía Bắc đất nước.
Điểm bắt đầu của Vạn Lý Trường Thành là ở phía đông tại Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc; và kết thúc tại phía Tây – Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc. Nếu tính niên đại từ thời gian khởi công xây dựng, công trình này tính đến nay đã có tuổi đời tới hơn 2300 năm.
Dù đã trải qua hàng chục thế kỷ, song công trình vạn dặm vẫn sừng sững giữa núi rừng. Các chuyên gia đánh giá có khoảng hơn 30% công trình đã biến mất bởi ảnh hưởng của thời tiết, sự biến đổi của thời tiết và xói mòn tự nhiên. Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp và quy định bảo vệ chặt chẽ, phần lớn còn lại của Vạn Lý Trường Thành vẫn được giữ gìn cho đến ngày này và trở thành điểm đến du lịch thu hút đông đảo không chỉ du khách quốc tế mà cả chính những người dân bản địa.
Không chỉ ở thủ đô Bắc Kinh mà du khách đến các tỉnh thành khác như Thiên Tân, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Thiểm Tây hay Hồ Bắc đều có thể đến thăm một đoạn của Vạn Lý Trường Thành. Song 3 đoạn nổi tiếng nhất là đoạn Mộ Điền Dục (Mutianyu), Tư Mã Đài (Simatai) và Bát Đại Lĩnh (Badaling – như trong trải nghiệm của nữ du khách trên) ở gần khu vực trung tâm Bắc Kinh.
Trước kia, hình thức chủ yếu để chinh phục tường thành là đi bộ. Song để phục vụ thêm nhiều du khách, hệ thống cáp treo hiện đại đã ra đời, từ đó tiết kiệm thời gian và công sức cho du khách. Nếu không lựa chọn đi cáp treo, vé vào cửa để tham quan Vạn Lý Trường Thành sẽ khoảng 150.000 đồng/người lớn. Giá vé đã bao gồm xe bus khứ hồi từ trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Còn nếu đi cáp treo, du khách sẽ mua vé bao gồm tất cả dịch vụ từ xe bus đưa đón, vào cổng và cáp treo khứ hồi với giá khoảng 370.000 đồng/người lớn.
Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm bức tường thành ngàn dặm xứ Trung Hoa là vào đầu hè hoặc đầu mùa thu. Khi này thời tiết mát mẻ, trời ít mưa, nắng lại không quá gắt. Nếu đi vào mùa đông hoặc những ngày mưa, việc di chuyển sẽ trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng tới toàn bộ chuyến đi.