Tạo dựng niềm tin cho trẻ
Lựa chọn, đặc biệt là học cách đưa ra lựa chọn tốt là một kỹ năng cần được học, phải mất thời gian để trau dồi kỹ năng này. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường không yên tâm khi giao quyền quyết định cho con.
Thạc sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh – Chủ tịch Học viện Minh Trí Thành cho rằng, khi cha mẹ không tin tưởng, trẻ cũng sẽ không tin vào bản thân. Bởi, thông thường cha mẹ là người trẻ thần tượng cũng như kính trọng nhất. Vì vậy, khi không nhận được niềm tin từ người mình kính trọng, trẻ cũng sẽ không dám tin vào bản thân.
“Cha mẹ cần gửi gắm niềm tin cho trẻ. Mặc dù cha mẹ biết rằng, một số việc nếu để con tự quyết là có thể hỏng, nhưng vẫn phải để trẻ làm, trải nghiệm. Bởi, đằng nào việc đó cũng xảy ra, con sẽ trưởng thành từ việc đó. Khi trao quyền cho con, trẻ sẽ có tiếng nói, sự phản hồi và sẽ không có sự nổi loạn”, chuyên gia này chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Lanh, thực tế không có tuổi nào là tuổi nổi loạn, khó bảo, bướng bỉnh. Quá trình phát triển của trẻ cũng giống như cái cây. Cây phải trải qua các giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn phát triển cần loại dinh dưỡng và phân bón khác nhau. Nếu cha mẹ vẫn mãi áp dụng một cách chăm sóc, điều đó sẽ không phù hợp. Thực tế, “tuổi nổi loạn” có thể do cha mẹ chọn “phân bón”, “dinh dưỡng” sai.
Mỗi giai đoạn phát triển, trẻ cần được quan tâm, yêu thương theo cách khác nhau cũng như nhận được niềm tin khác nhau. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết điều đó. Ví dụ, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường soạn sách vở, hoặc kiểm tra cặp sách của con. Tuy nhiên, phụ huynh cần đặt ra câu hỏi rằng, liệu khi con lớn hơn, cha mẹ có nên tiếp tục làm vậy? Thạc sĩ Lanh nhấn mạnh, cha mẹ cần cho con bản lĩnh, kỹ năng để có thể đối phó với các vấn đề trong cuộc sống, trong đó có cả sự lựa chọn.
ThS Lê Phương Dung – tác giả sách kỹ năng sống Ươm mầm cùng con khôn lớn cho biết, một trong những sai lầm lớn nhất mà người lớn mắc phải là luôn đưa ra yêu cầu, thay vì cho con quyền lựa chọn. Chẳng hạn như trong giờ giấc sinh hoạt của con, nếu muốn con đi ngủ sớm, cha mẹ nên hỏi: “Con muốn đi ngủ bây giờ hay sau 10 phút nữa”. Với trẻ lớn hơn, hãy để con tự quyết định giờ đi ngủ vì trẻ phải chịu trách nhiệm trước việc dậy đúng giờ đi học cho sáng hôm sau.
Sự lựa chọn đi đôi với trách nhiệm và kết quả. Vì thế, cha mẹ cần trao quyền để trẻ hiểu lựa chọn này có ý nghĩa gì, kết quả ra sao và cần thực hiện thế nào. Trao quyền cũng là cách giúp trẻ hình thành tư duy tích cực, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong tương lai.
Trao cho con cơ hội thực hành sự lựa chọn
Theo ThS Lê Phương Dung, trong giáo dục gia đình, người lớn cần hiểu đặc điểm tính cách hoặc sở trường của trẻ mà giúp con có được những trải nghiệm khi lựa chọn. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể cho trẻ tự chọn quần áo, đồ chơi. Khi trẻ vào bậc tiểu học, cha mẹ có thể thảo luận với con mình xem nên học thêm môn gì, phát triển kỹ năng gì. Khi trẻ học bậc THCS, THPT, bạn có thể hỏi con về ngành nghề yêu thích, dự định tương lai và cả mẫu người bạn đời lý tưởng.
Trên thực tế, không phải trẻ không biết lựa chọn mà do không có cơ hội lựa chọn. Có thể lúc đầu, lựa chọn của trẻ chưa phù hợp nhưng sau nhiều lần luyện tập, trẻ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
“Nếu thấy trẻ đang phân vân, loay hoay khi phải đưa ra quyết định, cha mẹ hãy hướng dẫn, giúp đỡ con. Mọi thứ trong cuộc sống đan xen nhau và điều quan trọng là trẻ phải học cách đưa ra lựa chọn hợp lý. Chỉ có điều này mới giúp trẻ tháo gỡ rắc rối, cảm thấy hài lòng”, cô Dung chia sẻ.
Cũng theo cô Dung, khi lựa chọn, trẻ bắt đầu xem điều mình cần. Tưởng tượng rằng khi con phải lựa chọn chỉ được mua một thanh kẹo trong nhiều thanh kẹo thì trẻ bắt đầu nhận ra từng tính chất của mỗi lựa chọn và chọn cái mà con cần. Đó là điều mà chúng ta mong muốn trẻ trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, theo cô Dung, khi dạy con về sự lựa chọn, nên tránh các vấn đề thuộc về trách nhiệm trẻ phải làm. Trách nhiệm là thứ không thể lựa chọn. Nếu đem làm điều kiện cho trẻ lựa chọn thì con không nhận ra đó là trách nhiệm của mình.
Cha mẹ cũng nên tránh những sự lựa chọn có lợi ích trực tiếp liên quan đến tiền hay lời hứa hẹn. Mục đích của lựa chọn là giúp trẻ quyết định dựa trên phát triển khả năng tự đánh giá và đưa ra lựa chọn của mình. Nếu trẻ có lợi ích trực tiếp từ tiền hay lời hứa hẹn thì sẽ làm trẻ quyết định lệ thuộc trên các yếu tố này. Điều này làm trẻ mất khả năng đánh giá từ suy nghĩ của trẻ.
Do đó, cho trẻ sự lựa chọn là có thể áp dụng tốt và hiệu quả khi cho trẻ lựa chọn điều mà trẻ muốn chơi; cho trẻ lựa chọn sách mà trẻ muốn đọc; cho trẻ lựa chọn quần áo mà trẻ muốn mặc; cho trẻ lựa chọn cách mà trẻ muốn được giúp đỡ. Ví dụ, trẻ gặp khó khăn khi mặc áo, bạn có thể hỏi: Mẹ ở đây, khi con cần mẹ giúp con có thể hỏi mẹ. Cho trẻ lựa chọn khi trẻ khó quyết định hay mong muốn có tất cả.
Để giúp con cái trau dồi khả năng lựa chọn, trước tiên người lớn phải đưa ra các lựa chọn trong giới giạn. Giới hạn là rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét khả năng có thể thực hiện xung quanh các lựa chọn. Người lớn cũng đừng đưa ra quá nhiều phương án cho một lựa chọn. Tất cả chúng ta đều đã trải qua cảm giác choáng ngợp khi có quá nhiều lựa chọn. Sự lựa chọn có giới hạn cho phép một đứa trẻ thực sự lựa chọn – có khả năng đưa ra lựa chọn một cách cẩn thận.
Bên cạnh đó, hãy chỉ cho trẻ lựa chọn những việc đơn giản và cần thực hành. Nhưng hãy nhớ, đừng bắt trẻ lựa chọn giữa một bên tuỳ chọn tồi tệ so với một tuỳ chọn tuyệt vời. Trên thực tế, khi cha mẹ làm điều này với con cái, cha mẹ thực ra đang cố gắng làm cho trẻ thiên về chọn một bên. Điều này là không công bằng với con của bạn. Trẻ đang thực hành đưa ra lựa chọn, hãy để trẻ được trải nghiệm thực sự.